Thị trường chứng khoán Việt Nam và chặng đường chinh phục đỉnh mới

PV.

Được đánh giá là một trong 05 thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới có mức tăng trưởng cao nhất thời gian qua, nhưng để TTCK Việt Nam thực sự trở thành kênh dẫn vốn dài hạn và hiệu quả, vẫn còn chặng đường dài phía trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn

VN-Index đạt đỉnh 8 năm trở lại đây

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong 8 tháng đầu năm, mặc dù chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới, TTCK Việt Nam vẫn đã hồi phục nhanh chóng và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Thậm chí, TTCK Việt Nam còn được đánh giá là một trong 05 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á.

Thống kê cho thấy, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 8 năm trở lại đây (kể từ tháng 3/2008). Tính đến ngày 23/8, chỉ số VN-Index đã tăng 13,8%, HNX-Index tăng 4% so với cuối năm 2015; Mức vốn hóa thị trường đạt 1.590 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP (tăng 17% so với cuối năm 2015). Thị trường UpCom có quy mô tăng nhanh, đến nay tăng gấp 10 lần so với năm 2009...

Huy động vốn 7 tháng đầu năm đạt gần 254,5 nghìn tỷ đồng, ước tăng 81%. Đấu giá cổ phần cho 58 doanh nghiệp nhà nước với tổng giá trị đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước; 21 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 1.899 tỷ đồng, tăng 112%.

Điều luôn làm băn khoăn nhà đầu tư (NĐT) - tính thanh khoản nay tăng mạnh, trong khi mức vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Giao dịch bình quân 1 phiên đạt gần 6.200 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng 34%; giao dịch cổ phiếu tăng 16% so với năm trước.

Hoạt động của NĐT ngoại tiếp tục tạo thêm dấu ấn. 6 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thuần là 722 triệu USD, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị danh mục của NĐT nước ngoài đạt trên 16 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Chặng đường dài phía trước

Trong 5 năm tới, nền kinh tế nước ta cần một lượng vốn rất lớn để duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách rất eo hẹp, thì nguồn vốn từ thị trường, cụ thể từ hệ thống ngân hàng và TTCK trở nên rất quan trọng.

Hiện nay, vốn từ ngân hàng chiếm tới 86% tỷ trọng cung ứng vốn trong nền kinh tế, trong khi TTCK chỉ mới chiếm 14%. Điều này cho thấy, quy mô và tầm vóc của TTCK Việt Nam còn rất nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng của nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Trong buổi làm việc với ngành Chứng khoán tháng 4/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, hiện tại, thị trường cổ phiếu có quy mô vốn hóa 36%% GDP là kết quả đáng ghi nhận, nhưng mục tiêu Chính phủ đặt ra là quy mô vốn hóa TTCK phải đạt 70% GDP vào năm 2020. Mục tiêu tham vọng này không dễ nhưng không phải không thực hiện được.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, lãnh đạo UBCKNN đã vạch ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: hoàn thiện khung chính sách, phát triển TTCK phái sinh, nâng hạng thị trường, tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán...

Theo một số chuyên gia, để TTCK phát triển mạnh, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt các rủi ro về biến động lạm phát, tỷ giá, lãi suất, chính sách của Nhà nước để tạo lập niềm tin cho các NĐT yên tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa phải tiến hành quyết liệt hơn rất nhiều, đặc biệt là DN lớn có hiệu quả phải xúc tiến nhanh, cổ phần hóa với tỷ lệ để cho NĐT nắm giữ nhiều hơn.

Đồng thời, cần có chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT lớn tham gia thị trường nhằm hướng tới giao dịch của các NĐT có tổ chức, các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước, như vậy, mới tăng được quy mô thị trường...

Tin rằng, với tâm thế hội nhập và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mà Chính phủ kiên quyết thực hiện, chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ tăng sức hấp dẫn, thu hút được các dòng vốn lớn, góp sức phát triển cộng đồng DN, phát triển nền kinh tế hiệu quả và bền vững hơn.