Thị trường đang đà phục hồi mạnh mẽ

Theo thoibaonganhang.vn

Việc người dân Anh bỏ phiếu đồng ý rời Liên minh châu Âu khiến thị trường tài chính chao đảo trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, thị trường giao dịch nguyên liệu thô vẫn có một thời gian tăng trưởng tốt với mức tăng 13%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường đang đà phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1


Diễn biến giá hàng hóa thế giới

Chỉ số Bloomberg Commodity Index đo diễn biến giá của các hàng hóa cơ bản diễn biến lạc quan trong tháng vừa qua nhờ giá dầu vượt mốc 50 USD, trong khi giá các mặt hàng khác cũng giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số này đã có một quý tốt nhất kể từ 2010, tăng 13% sau khi áp lực dư cung giảm dần.

Ngoài ra, 3 trong số 5 mặt hàng thuộc chỉ số Bloomberg Commodity Index tăng mạnh nhất trong quý này thuộc nhóm hàng nông sản, dẫn đầu là đậu tương với mức tăng 47%. Nhà đầu tư đang đặt cược vào hàng nông sản nhiều nhất kể từ năm 2012.

Khí gas cũng tăng 28% trong quý này sau khi chạm mức đáy trong 17 năm vào tháng 3. Sản lượng giảm cùng với nhiệt độ tăng do hiệu ứng La Nina buộc các công ty phải giảm 27% dự trữ khí gas so với mức trung bình trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015.

Thị trường đang đà phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 2
Diễn biến giá dầu thế giới

Sự phục hồi của giá cả toàn cầu cũng được thể hiện qua các chỉ số khác. Cụ thể, tính tới hết tháng 5/2016, chỉ số giá hàng hóa tổng hợp (All commodity price index) của IMF ở mức 102,27 điểm (tăng 11% so với cuối quý I và tăng 13% so với cuối năm 2015).

Trong đó, giá hàng hóa năng lượng ở mức 85,01 điểm; tăng 19% so với cuối quý I và tăng 17% so với cuối năm. Giá hàng hóa phi năng lượng ở mức 131,77 điểm, tăng 3% so với thời điểm cuối quý I và tăng 8% so với cuối năm 2015. Giá các mặt hàng nông nghiệp thô tăng nhẹ 2% so với cuối quý I cũng như so với cuối năm 2015. Chỉ có nhóm các mặt hàng kim loại có xu hướng giảm nhẹ 2% so với cuối quý I, tuy nhiên nếu so với cuối năm 2015, nhóm hàng này cũng đã tăng 8%.

Tâm điểm chú ý của diễn biến giá hàng hóa thế giới trong thời gian qua là xu hướng phục hồi mạnh của giá dầu. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, giá dầu WTI và Brent đều chốt tháng ở mức trên 50 USD/thùng, tăng 27% so với thời điểm kết thúc quý I.

Giá dầu tăng mạnh trong quý vừa qua, trong đó ngày 26/5 đã lần đầu tiên vượt mốc 50 USD/thùng nhờ kỳ vọng của thị trường về việc các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới sẽ tiến tới một thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Dù thỏa thuận này đã thất bại sau cuộc họp ngày 17/4 nhưng giá dầu vẫn tiếp tục tăng nhờ được hỗ trợ bởi thông tin về sản lượng dầu thô của Mỹ giảm cùng nhu cầu dầu mỏ cao hơn dự kiến từ những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga…

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng dầu thô của nước này đã giảm khoảng 24.000 thùng xuống còn 8,95 triệu thùng/ngày và ở dưới mức 9 triệu thùng/ngày trong 2 tuần liên tiếp gần đây.

Đà gia tăng liên tục và ổn định của giá dầu đã khiến các nhà phân tích bắt đầu đưa ra những dự báo lạc quan hơn về triển vọng của giá dầu trong năm 2016. Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ gần đây nhận định giá dầu dự kiến ổn định ở mức 50 USD/thùng trong nửa cuối năm 2016.

Đồng thời, nhiều tổ chức quốc tế như WB, IMF trong những đánh giá gần đây đều đã nhận định về việc thị trường dầu mỏ đang thiết lập lại trạng thái cân bằng cung cầu mới, do đó khả năng giảm sâu của giá dầu như những giai đoạn trước sẽ rất khó xảy ra. Dù vậy, một số chuyên gia khuyến cáo còn quá sớm để khẳng định giá dầu đã bắt đầu vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ.

Như vậy, thời điểm tệ nhất đã qua khi giá hàng hoá đã chạm đáy và đang trên đà hồi phục do những dự báo về khan hiếm nguồn hàng cũng như tình trạng cắt giảm sản xuất, tránh thừa cung.

Bên cạnh đó, nhu cầu thế giới cũng đang cho thấy dấu hiệu tích cực. Do đó, dù các sự kiện chính trị tiêu cực như Brexit tiếp tục xảy ra, các nhà đầu tư sẽ vẫn kỳ vọng giá hàng hóa toàn cầu sẽ thiết lập một chuỗi gia tăng mới trong thời gian tới.