Thị trường tài chính tiền tệ thế giới và nguy cơ Anh rời khỏi EU
Sự kiện Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (nguy cơ Brexit) đang là mối quan tâm hàng đầu của thị trường tài chính toàn cầu...
Thị trường tiền tệ và vị thế của đồng Euro sẽ bị ảnh hưởng
Nước Anh có vai trò thống lĩnh, chi phối hoạt động của thị trường tiền tệ, ngoại hối thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng thanh toán quốc tế - BIS thì Anh xử lý tới 41% tổng số các giao dịch trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Anh rời EU sẽ gây tác động tới khả năng giao dịch các loại cổ phiếu, trái phiếu và các hợp đồng hoán đổi lãi suất – Interest rate swap… thanh toán bằng đồng Euro của các nhà giao dịch tại London.
Một số chuyên gia còn đánh giá rằng, nếu nước Anh quyết định rời EU thì đó sẽ là thảm họa với đồng Euro (EUR) khi đánh mất giá trị so với các đồng ngoại tệ khác và thị trường tài chính thế giới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Kể từ khi ra mắt, đồng Euro, đồng tiền chung của 19 nước châu Âu đã được kỳ vọng sẽ là một đồng tiền có thể thách thức vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới mà đồng USD nắm giữ lâu nay. Tuy nhiên, thời gian càng trôi, đặc biệt là sau khi khủng hoảng 2008, thì những hy vọng đặt vào đồng Euro hay sự ưa chuộng chọn đồng tiền này như một loại tài sản đảm bảo giá trị lâu dài trên thế giới cũng đang dần yếu đi.
Cách đây 10 năm, Deutsche Bank đã đưa ra thống kê cho thấy rằng đồng Euro lúc đó có thể đã chiếm tới 40% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nhưng mới đây, theo báo cáo của NHTW châu Âu – ECB công bố trong tháng 6/2016, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu dưới dạng các tài sản, nợ (trái phiếu chính phủ) thanh toán bằng đồng Euro đã giảm đều trong 10 năm qua và tính tới cuối năm ngoái thì tỷ lệ này đã rơi xuống dưới mức 20%.
Trong trường hợp Anh biểu quyết “ra đi”, các thị trường tài chính chắc chắn sẽ xáo trộn và hệ quả là các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn đồng thời khiến đồng USD tăng giá. Đồng bảng Anh đã rớt giá đáng kể từ trước cuộc bầu cử. Anh rời khỏi EU có thể ảnh hưởng đến Euro và bảng Anh hơn nữa. Ông Alastair Archbold, một nhà môi giới của Foremost Currency Group nhận định, các nhà đầu tư có thể bị hoảng sợ tìm đến nguồn ngoại tệ an toàn hơn như đô la của Mỹ, đồng Franc của Thụy Sĩ và đồng Yên của Nhật, tăng cường sử dụng các đồng tiền này.
Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội của Hoàng gia Anh ước tính đồng bảng Anh có thể rơi xuống mức 20% trong thời điểm vấn đề Brexit đang diễn ra. Theo báo cáo nghiên cứu từ hãng East & Partners, 4/5 các công ty Anh sợ Brexit sẽ làm sụt giá đồng bảng Anh dựa vào đô la, dự báo trung binh giảm 12%.
“Brexit” có thể đẩy tỷ giá đồng Yên tăng, bởi các nhà đầu tư xem đồng tiền này như một “vịnh tránh bão”. Điều này là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đã suy yếu do sự đi xuống của nhu cầu toàn cầu.
Đồng Yên mạnh cũng khiến lạm phát của Nhật giảm, làm dấy lên những lo ngại về việc nước này có thể lại rơi vào giảm phát.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo
Từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm sâu. Tâm lý lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu cũng như những bất ổn gây ra bởi kịch bản Anh rời EU đang chi phối giới đầu tư chứng khoán. Giới đầu tư lo sợ rằng kịch bản Brexit sẽ tạo ra bất ổn nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu. Hơn 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị thổi bay khỏi chứng khoán toàn cầu trong tuần thứ 2 của tháng 6 vừa qua. Theo khảo cứu của ngân hàng Bank of America Merry Lynch, lượng tiền mặt của các quỹ đầu tư đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Nhà đầu tư tích tiền mặt nhiều cho thấy, họ đang không hề muốn đặt tiền vào chứng khoán giữa lúc có nhiều thông tin chưa rõ ràng như thế này. Tuy nhiên dự đoán cũng cho rằng, ngay khi nỗi lo Anh đi hay ở được xua tan, lượng tiền này cũng có thể chảy vào thị trường bất cứ lúc nào, đẩy chứng khoán bật tăng trở lại.
Giá dầu sẽ xuống thấp, giá vàng sẽ tăng
Việc Anh không còn thuộc EU sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu của châu Âu, hiện châu Âu tiêu thụ ước tính khoảng 15% tổng lượng dầu toàn cầu, tỷ lệ cao thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ.
Từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa trở nên rất bi quan. Chỉ số S&P GSCI đo lường giá của 24 loại hàng hóa đã giảm 3% so với mức cao vừa thiết lập vào đầu tháng 6/2016.
Một trong những thị trường được hưởng lợi nhiều nhất về việc Anh sẽ lựa chọn rời khỏi EU vào ngày 23/6 tới chính là vàng. Kim loại quý này có thể tăng 8,5% so với mức giá hiện tại- James Butterfill, giám đốc nghiên cứu và nhà chiến lược đầu tư tại ETF Securities cho hay. “Brexit sẽ có lợi cho những ai bán ra đồng Bảng và chắc chắn chúng ta cũng sẽ chứng kiến giá vàng lên. Trong bối cảnh này, tôi kỳ vọng mốc giá $1,400/oz”- ông cho biết.