Thị trường đất giảm nhiệt, nhiều người... chơi vơi
Thời gian gần đây, thị trường giao dịch bất động sản có dấu hiệu chững lại. Không ít người lâu nay “làm đất” mất nguồn thu, thậm chí "ngồi trên đống lửa" vì những khoản tiền đầu tư khá lớn vào đất.
Ít ngày nay, nhóm đầu tư bất động sản của anh T (Gia Nghĩa) như ngồi trên đống lửa vì phải xoay sở số tiền rất lớn để trả cho chủ đất. Cách đây hơn 1 tháng, anh T cùng nhóm bạn mua 1 khu rẫy gần 4 ha ở xã Đắk R’moan (TP. Gia Nghĩa - tỉnh Đắk Nông) có view khá đẹp với giá 8 tỷ đồng. Nhóm anh T cọc 2 tỷ đồng và hẹn trả tất cả sau 45 ngày.
Sắp đến hẹn, 3 người trong nhóm phải xoay xở 6 tỷ đồng để trả cho khách. Tuy nhiên, cả nhóm thả sức đi vay nhưng chỉ mới lo được hơn 1 nửa.
“Ngân hàng họ hẹn giải ngân nhưng chờ mãi chưa thấy. Mấy ngày nữa là đến hẹn rồi mà chưa tìm đâu ra nguồn trả. Mình cọc cao quá nên không thể bỏ được. Tình hình này chắc phải tìm nguồn vay bên ngoài với lãi cao hơn để lo việc”, anh T trăn trở.
Chị Q (Gia Nghĩa) còn lâm vào cảnh bi đát hơn khi buộc đưa ra quyết định “bỏ cọc”. Cuối tháng 4/2022, chị Q quyết định mua một lô đất ở phường Nghĩa Trung với giá 3,3 tỷ đồng. Chị Q và chủ đất làm hợp đồng đặt cọc với số tiền 400 triệu đồng.
Đến hẹn, chị Q không xoay xở được tiền nên đành xin chủ đất hẹn thêm ít ngày để vay mượn. Nhưng hơn 10 ngày sau, chị vẫn không xoay đủ tiền. Chủ đất đã thông báo không cho chị Q thương lượng thêm và chấm dứt hiệu lực hợp đồng đặt cọc. Điều này đồng nghĩa với việc chị Q mất trắng 400 triệu đã cọc.
“Bỏ cọc” là câu chuyện được nhắc tới ít ngày nay ở nhiều nơi tại TP. Gia Nghĩa. Nhiều người thừa nhận có nhiều lô đất trị giá tiền tỷ nhưng muốn bán rất khó.
Nhiều người thậm chí đã hạ giá, chấp nhận chịu lỗ với số tiền đầu tư trước đó nhưng không được. Không xoay xở được tiền, nhiều hoàn cảnh chấp nhận mất tiền cọc. Ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm triệu như chị Q.
Thị trường đất hạ nhiệt là điều rất dễ nhận thấy tại một số nơi chuyên giải quyết hồ sơ như văn phòng công chứng hoặc bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính.
Tại TP. Gia Nghĩa, nhiều văn phòng công chứng hiện rất vắng khách. Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, số lượng hồ sơ chuyển nhượng từ đầu tháng 5/2022 đến nay đột ngột giảm rất sâu so với trước đây.
Nhiều người trong giới “làm đất” nhận định, thị trường bất động sản chững lại, trầm lắng hẳn do chính sách “siết” đầu tư bất động sản. Hiện một số ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Đắk Nông thông báo không cho vay hoặc chỉ cho vay rất thấp theo bảng giá đất của UBND tỉnh đối với các thửa đất nông nghiệp không có đất ở.
Một số nhà cửa, đất đai ổn định được ngân hàng thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, việc giải ngân khá chậm do nhiều ngân hàng đã tiệm cận hoặc hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao.
Đối với những chi nhánh hết hạn mức, nguồn tiền cho vay phụ thuộc vào số tiền khách hàng tất toán trong thời gian tới. Theo một chuyên gia bất động sản tại TP. Gia Nghĩa, từ cuối năm 2021 đến nay, tín dụng khởi sắc do sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thuận lợi.
Nguồn tín dụng đầu tư vào bất động sản là tương đối lớn. Vì vậy, số ngân hàng sắp hết hạn mức tín dụng xuất hiện nhiều hơn và sớm hơn so với những năm trước.
Vị này phân tích: Nhiều người “làm đất” đồn rằng đất chỉ chững lại ít tháng thôi. Nhưng với tình hình này, thị trường bất động sản có nguy cơ sẽ bị tác động kéo dài. Không ít người đầu tư bất động sản “quá tay” sẽ lâm vào cảnh khốn đốn.