Thị trường đúng nghĩa là phải có kinh tế tiêu dùng

PV.

“Kinh tế tiêu dùng chính là nguồn nuôi dưỡng của kinh tế thị trường, và một nền kinh tế thị trường cũng chính là nền kinh tế tiêu dùng”, đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Tuấn Anh, khi nói về kênh tín dụng tiêu dùng.

Theo TS. Vũ Tuấn Anh, để đẩy mạnh kinh tế tiêu dùng, cần phải đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hiện đại, phải làm cho năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam phát triển. Có như vậy thì kinh tế tiêu dùng mới phát triển.

Đánh giá về việc các công ty tài chính ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình đối với kinh tế tiêu dùng, TS. Vũ Tuấn Anh nói: “Trong giai đoạn hiện nay, việc các công ty tài chính tích cực tham gia vào nền kinh tế tiêu dùng là rất đáng hoan nghênh, nhất là trong thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái càng cần phải kích thích tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất. Chỉ khi có tiêu dùng thì doanh nghiệp mới có thị trường, có đầu ra và có hỗ trợ tài chính từ các công ty tài chính cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, về dài hạn, trước hết chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất, đó mới là khâu trọng tâm của nền kinh tế. Để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của các công ty tài chính, bản thân các công ty tài chính phải tự đẩy mạnh tìm hiểu thị trường, từ đó đưa ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng”.

Trên thị trường hiện nay, các công ty tài chính đã có những sản phẩm dịch vụ cho vay theo hướng có lợi cho người tiêu dùng như: vay mua hàng trả góp lãi suất 0% hoặc tặng quà khi khách hàng thanh toán một số kỳ trả góp.

Được biết, sản phẩm lãi suất 0% được các công ty tài chính liên kết với các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối các sản phẩm tiêu dùng. Hay sản phẩm quà tặng thanh toán đã khuyến khích người tiêu dùng thực hiện tốt các nghĩa vụ thanh toán của mình để được hưởng quà tặng của công ty tài chính là một hoặc một số kỳ trả góp.

Các sản phẩm trên không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng mà còn giúp các công ty tài chính thu hút những khách hàng tốt, hạn chế rủi ro nợ xấu, nợ khó đòi, góp phần tạo ra môi trường tài chính tiêu dùng lành mạnh.

Đối với các nhà sản xuất, các sản phẩm dịch vụ đa dạng từ công ty tài chính cũng góp phần không nhỏ trong việc lưu thông hàng hóa sản xuất trên thị trường, giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, bản thân các công ty tài chính, bên cạnh việc nỗ lực không ngừng để đưa những sản phẩm mới có lợi cho các bên, cũng cần phải sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, tránh rập khuôn.

Các công ty tài chính vốn luôn được đánh giá là năng động và linh hoạt hơn so với các ngân hàng thương mại trong việc tiếp cận thị trường cho vay cá nhân. Thực tế trên thị trường hiện nay đã có những sản phẩm dịch vụ của các công ty tài chính được khách hàng, đặc biệt là giới trẻ đón nhận.

Hiện nay, các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng ở 3 dòng sản phẩm - dịch vụ chính, bao gồm: dịch vụ cho vay mua xe máy trả góp, dịch vụ cho vay mua sắm đồ điện tử gia dụng và dịch vụ cho vay tiền mặt như: cho vay theo lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh, theo hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng khác hay cho vay tiền mặt tại quầy, tại bưu cục, cho vay du lịch trả góp, cho vay đám cưới tự lập….

Theo đánh giá của nhiều bạn trẻ, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính rất tiện lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu về vốn trong thời gian ngắn mà không cần có tài sản thế chấp.

“Khuyến mại, kích thích tiêu dùng hay những sản phẩm tài chính khác đều nhằm mục đích đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các sản phẩm cho vay tài chính không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước và bản thân các công ty tài chính, mà còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Liệu họ có đủ năng lực hấp thụ chính sách hay không? Về điểm này, các công ty tài chính là những người hiểu rõ hơn ai hết,” TS. Vũ Tuấn Anh nói.