Thị trường vay tiêu dùng:
Đã có thêm nhiều sản phẩm lãi suất 0%
Với hoạt động đặc thù, chi phí vốn và mức độ rủi ro cao, lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) thường cao hơn ngân hàng thương mại. Tuy nhiên,với việc CTTC xuất hiện ngày càng nhiều, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi trước sức ép cạnh tranh, ngoài việc cung cấp các gói dịch vụ chất lượng cao, các CTCT đang triển khai ngày càng nhiều hơn các chương trình khuyến mại như: Tặng một hay nhiều kỳ trả góp, thậm chí là cho vay với lãi suất 0%...
Vay tiêu dùng, giải pháp cho người thu nhập thấp
Với mức thu nhập trung bình, không có tài sản thế chấp, để có thể “chạm tay” vào các khoản vay ngân hàng, một khách hàng có thu nhập ổn định, nhân thân rõ ràng vẫn có thể sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng tại các CTTC. Tuy nhiên, do đây là những khoản vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân nhanh chóng, nên các CTTC cũng phải trả những chi phí khá cao so với các ngân hàng thương mại (NHTM).Điều này khiến cho lãi suất vay tiêu dùng phải điều tiết phù hợp với đặc thù hoạt động của các CTTC.
Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam hiện dao động trong khoảng từ 20-30%/năm, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM chỉ từ 8-14%/năm. So sánh với dải lãi suất cho vay tiêu dùng qua CTTC của các nước, như: Mỹ làtừ 8-36%/năm; EU là 15-25%/năm; Trung Quốclà 10-40%/năm; Brazil là 30-70%/năm; Nhật là 9-17%/năm... có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC ở Việt Nam là khá cao.
Lý giải về mức lãi suất này,giới chuyên gia tài chính cho rằng là do có sự khác biệt về thị trường giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại các thị trường phát triển, mức giá thường thấp hơn so với thị trường mới hoặc đang phát triển.
Nguyên nhân là do các CTTC có nhiều dữ liệu về khách hàng của họ, nhất là về tỷ lệ khách hàng có nguy cơ không trả nợ. Từ cơ sở dữ liệu này, họ có thể xây dựng được mô hình định giá phù hợp.Tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, những dữ liệu trên lại không có sẵn, vì vậy mức lợi nhuận biên phải cao hơn, để bù đắp những chi phí rủi ro đã được tính toán không chính xác lúc ban đầu.
Mặc dù lãi suất của các CTTC không ở mức cạnh tranh trên thị trường, song so với việc sử dụng tín dụng “đen”, khách hàng vẫn có thể an tâm khi ký kết hợp đồng vay vốn mà không sợ bị siết nợ theo kiểu xã hội đen.
Tại một cuộc hội thảo về cho vay tiêu dùng diễn ra mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia tài chính uy tín cho rằng, “tín dụngđen” là u nhọt của xã hội, là hoạt động phi pháp đang ngang nhiên lộng hành. “Luật” của tín dụng đen rất đáng sợ.Vậy nên việc cho phép đẩy mạnh các CTTC sẽ góp phần ngăn chặn sự hoành hành của“tín dụng đen”.
Làm gì để người dân hưởng lợi?
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam là thị trường rất đặc biệt. Chúng ta có hệ thống NHTM với chi nhánh đến tận huyện, xã, thôn. Bên cạnh đó, còn có ngân hàng chính sách, hợp tác xã (HTX), các CTTC, các quỹ của nước ngoài, các quỹ của hiệp hội thanh niên, ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triểnvà cả hoạt động huy động vốn kiểu hụi họ… Thế nhưng, người dân vẫn khan tiền, chứng tỏ nhu cầu vay vốn hiện còn rất cao. Đó là lý do vì sao “tín dụng đen” vẫn phát triển và hoành hành như hiện nay.
Điều đáng nói ở đây, lãi suất cho vay “tín dụng đen” cao cắt cổ nhưng người dân vẫn lao vào, vì cần tiền. Trên thực tế, lãi suất “tín dụng đen” không chỉ vài trăm %, có khi lên tới 1.000%, dẫn đến hệ lụy nhiều gia đình tan nát, thậm chí phải bỏ ra nước ngoài để trốn nợ. Tại Việt Nam,“tín dụng đen” đa số nhắm vào người nghèo không thể tiếp cận với các tổ chức tài chính hợp pháp.“Vì thế, tạo điều kiện cho các CTTC phát triển, sẽ góp phần hạn chế sự bành trướng của “tín dụng đen”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Vì lẽ đó, TS.Lê Xuân Nghĩa đề xuất kiến nghị, cần sớm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện để tạo nền tảng cũng như kim chỉ nam cho hoạt động của các CTTC; thậm chí, có thể cho phép các nhà sản xuất có thể thành lập các CTTC để hỗ trợ việc bán các sản phẩm của chính mình.
Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng ở các CTTC hiện nay trung bình cao nhất dao động trên dưới 40%.Song trên thực tế, cũng có những sản phẩm vay tiêu dùng có lãi suất thấp hơn tại các NHTM. Tại một số CTTC, có rất nhiều sản phẩm lãi suất vay tiêu dùng chỉ 10-15%, thậm chí là lãi suất bằng 0%, nghĩa là người đi vay không phải trả một đồng lãi suất nào.
Để có mức lãi suất ưu đãi đến khó ngờ này, các CTTC đã hợp tác với các nhà sản xuất để chia sẻ lợi nhuận. Với những sản phẩm lãi suất 0%, khách hàng được vay lãi suất thấp, nhà sản xuất bán được nhiều hàng và theo đó Nhà nước cũng thu được nhiều thuế hơn. Đặc biệt, có CTTC còn cho biết, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có đến 70% sản phẩm của công ty này có mức lãi suất 0%/năm.
Như vậy việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch dành riêng cho các CTTC sẽ giúp thị trường tài chính thêm sôi động bởi chính sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp. Từ đó, khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn, thậm chí được hưởng những mức lãi suất vô cùng hợp lý, thay vì phải sử dụng dịch vụ “tín dụng đen”.