Thị trường lao động trước Tết Nguyên đán: Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Theo đánh giá, thị trường lao động tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác đang khá sôi động, bởi nhu cầu sử dụng lao động, cũng như chính nhu cầu tìm kiếm việc làm thời vụ tăng cao dịp cận Tết.
Đánh giá về nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm và trước Tết Nguyên đán tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, trong quý IV, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng so với cùng kỳ những năm trước.
Ước tính, các đơn vị tuyển dụng cần tuyển 3.500 - 4.000 nhân viên kinh doanh, 3.000 - 4.000 nhân viên bán hàng và hàng nghìn vị trí việc làm thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Người lao động dễ dàng tìm được những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm như đóng gói bao bì, phục vụ nhà hàng, thu ngân, giao hàng, chăm sóc cây cảnh, giúp việc nhà theo giờ… Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn TP. Hà Nội tiếp tục tăng từ 10 - 15%.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu lao động thời vụ cần cho cuối năm và đến Tết Nguyên đán 2018 là trên 35.000 người, tăng 20% so thời điểm cùng kỳ năm 2017.
Đáng nói, cơ hội tìm được công việc bán thời gian cho những ai có nhu cầu đang ngày càng phổ biến ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay đến tháng 2/2018 (Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018) là 25.000 chỗ làm việc tập trung ở các nhóm ngành nghề: Nhân viên kinh doanh - bán hàng (23,37%), dịch vụ - phục vụ (17,77%), vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu (6,83%), công nghệ thông tin (6,24%), dệt may - giày da (5,62%), dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (4,17%), cơ khí - tự động hóa (3,44%), dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng (3,35%), kinh doanh tài sản - bất động sản (3,33%)…
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, do tình hình kinh tế - xã hội ổn định, sản xuất phát triển, môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố luôn quan tâm chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch phát triển năm 2018 nên các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động làm việc thời vụ - bán thời gian.
Cần dự báo chính xác
Mặc dù cuối năm có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động nói chung của cả năm 2017 lại không có nhiều đột phá. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mặc dù số người có việc làm, lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn giữ ở mức 76%, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2% và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị vẫn ở mức 3% (đạt theo mục tiêu đề ra là dưới 4%), tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm nhẹ từ 7,86% (quý III/2016) xuống 7,63% (quý III/2017).
Đáng nói, là dù có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ cử nhân thất nghiệp vẫn ở mức cao, tại quý II/2017 là 183,1 nghìn người, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (191,3 nghìn người tại quý II/2016) nhưng tăng khá nhiều so với quý I/2017 (138,8 nghìn người).
Nói về giải pháp phát triển thị trường lao động năm 2018, đại diện Bộ LĐ, TB - XH cho biết, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc hỗ trợ các địa phương tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tổ chức điều tra, khảo sát phục vụ công tác quản lý và phân tích, dự báo thị trường lao động; Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thị trường bền vững, các cơ quan chức năng cần định hướng cho doanh nghiệp về cách sử dụng lao động hợp lý, khoa học, đúng pháp luật; cần dự báo chính xác những ngành nghề sẽ thiếu hụt; trang bị cho người lao động kiến thức, kỹ năng làm việc phù hợp với xu hướng phát triển.
Về phía người sử dụng lao động, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng lao động, tránh sự thiếu hụt trong từng thời kỳ, thời điểm. Người lao động cần tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.