Thị trường mới nổi: Đích đến mới của các quỹ đầu tư?
Một nghiên cứu của Invesco cho thấy các quỹ đầu tư đang hiệu chỉnh lại chiến lược tại châu Á trong bối cảnh có những thay đổi về địa chính trị.
Các quỹ đầu tư đang chuyển hướng sang các thị trường mới nổi với số lượng ngày càng tăng như một cách để giảm bớt rủi ro căng thẳng địa chính trị.
Nghiên cứu mới nhất do Invesco thực hiện cho thấy 95% các nhà đầu tư coi căng thẳng địa chính trị là rủi ro nghiêm trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế trong 12 tháng tới. Tương tự, với các quỹ đầu tư tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Mena), trong khi lạm phát và lãi suất vẫn là những mối lo ngại nghiêm trọng, được 68% và 70% các quỹ đầu tư nêu ra, thì tranh chấp thương mại giữa các cường quốc vẫn là rủi ro chính đối với các nhà đầu tư này.
Theo Invesco, các quỹ đầu tư đang tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình để phản ánh môi trường vĩ mô đang thay đổi và 71% các quỹ đầu tư của khu vực Mena thấy rằng các thị trường mới nổi có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn. Ngoài ra, 68% các quốc gia có chủ quyền Mena coi các thị trường mới nổi là triển vọng đầu tư hấp dẫn hơn do sự gần gũi và khu vực hóa.
Trong số các khu vực thị trường mới nổi, Châu Á (trừ Trung Quốc) đang dẫn đầu, được 83% nhà đầu tư chủ quyền toàn cầu, trong đó bao gồm 100% nhà đầu tư ở khu vực Trung Đông, coi là ưu tiên. Ấn Độ vẫn là tâm điểm chú ý, với 88% quỹ đầu tư trên toàn thế giới và 100% quỹ đầu tư ở Trung Đông coi đây là thị trường hấp dẫn.
“Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần trở nên khó lường, các nhà đầu tư đang tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình, chuyển hướng sang cổ phiếu, tín dụng tư nhân và quỹ đầu cơ”, ông Josette Rizk, Trưởng bộ phận Trung Đông và Châu Phi tại Invesco cho biết.
“Tín dụng tư nhân ngày càng hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư quốc gia, với nhiều khoản đầu tư thông qua các quỹ và giao dịch trực tiếp”, chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm: “Các quỹ đầu tư trong khu vực Mena ưa chuộng các thị trường phát triển nhưng cũng đang khám phá các thị trường mới nổi trong khi cân bằng các chiến lược phòng thủ và cơ hội để điều hướng bối cảnh cạnh tranh”.
Mặc dù vậy, về dài hạn, các nhà đầu tư xem biến đổi khí hậu là rủi ro lớn thứ hai. Ringrow cho biết, đầu tư cho khí hậu hiện là xu hướng chủ đạo. Các quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương đang bắt đầu xem xét tăng phân bổ vốn vào lĩnh vực này.
Theo khảo sát của Invesco, 30% quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương xem chuyển đổi năng lượng là chủ đề đầu tư ưu tiên. Hiện tại, 27% trong số họ đang nắm giữ các khoản đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Xu hướng đầu tư theo chủ đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có xu hướng tăng hơn một thập niên qua, với các nhà đầu tư chủ quyền dần kết hợp yếu tố ESG vào phương pháp đầu tư.
Hiện nay, một phần ba các nhà đầu tư chủ quyền trên toàn cầu đang sử dụng AI trong quá trình đầu tư của họ, bao gồm 6% đang sử dụng công nghệ mới nổi này một cách rộng rãi. Phần lớn các nhà đầu tư tin rằng AI cuối cùng sẽ đóng một vai trò trong tổ chức của họ. Sự gia tăng của AI đã thúc đẩy 66% các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương trên toàn cầu và 83% ở Trung Đông đánh giá lại các chiến lược AI hiện tại và thúc đẩy khám phá các ứng dụng mới.
Các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương đang sử dụng AI trong các công đoạn như xử lý dữ liệu, quản lý rủi ro và đưa ra các dự báo. Hầu hết các nhà đầu tư tin tưởng rằng AI có thể giúp tăng lợi nhuận. Trong khi 59% tin rằng AI sẽ gây giảm phát, thì phần lớn những người được hỏi đều kỳ vọng điều này sẽ có hiệu quả sau ít nhất 5 năm.
"Các nhà đầu tư có chủ quyền trong khu vực đang tăng cường áp dụng AI vào các quy trình đầu tư của họ", ông Rizk nói thêm và cho biết: "Mặc dù còn nhiều thách thức, các quỹ đầu tư đang đầu tư vào công tác đào tạo nhân lực và quan hệ đối tác để vượt qua các rào cản như thiếu chuyên môn và khả năng đào tạo các mô hình AI".