Thị trường rung lắc, chọn cổ phiếu nào?

Theo Nam Minh/thoibaonganhang.vn

Nhìn chung, diễn biến của VN-Index trong thời gian tới là khó đoán.

Vẫn có  những cổ phiếu rất an toàn cho nhà đầu tư giải ngân vào thời điểm này.  Nguồn: internet
Vẫn có những cổ phiếu rất an toàn cho nhà đầu tư giải ngân vào thời điểm này. Nguồn: internet

May mặc…

Chứng khoán tuần qua vẫn tiếp tục những phiên giằng co xung quanh cột mốc 900 điểm đối với chỉ số VN-Index. Những người quan tâm cho rằng, nếu rớt khỏi cột mốc 900 điểm, VN-Index có thể sẽ mất đà và rớt sâu hơn. Trong khi nếu vẫn giữ được cột mốc quan trọng đó, tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định hơn và thị trường nhiều khả năng sẽ phục hồi tốt hơn. Tất nhiên, đây không phải là thời điểm dành cho các nhà đầu tư yếu tim khi các rủi ro liên tục xuất hiện. Nhưng thị trường vẫn còn đó một số ngành nghề có triển vọng kinh doanh khả quan và quan trọng hơn, chúng có thể trở thành “chiếc hầm trú ẩn” an toàn, giúp nhà đầu tư tạm thời tránh bão.

Đó có thể là cổ phiếu ngành dệt may - lĩnh vực sản xuất kinh doanh này đến nay vẫn được xem là lợi thế cạnh tranh lớn trong tổng thể công nghiệp Việt Nam nhờ lợi thế về chi phí rẻ và nguồn lao động dồi dào. Đơn cử, như trường hợp của CTCP sợi Thế Kỷ (STK). Mới đây, DN sợi hàng đầu Việt Nam này đã khởi động thêm dự án Trảng Bàng 5 có công suất 3.300 tấn sợi DTY và 1.500 tấn hạt nhựa nguyên liệu. Dự kiến khi đi vào hoạt động cuối năm nay, nhà máy mới sẽ giúp công suất sản xuất sợi của STK tăng thêm 5%, đi cùng với việc tự đảm bảo được khoảng 30% nguồn nguyên liệu cho dòng sợi tái chế, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay tại STK khá ổn khi hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nhờ nhu cầu về sợi tăng lên cả nội địa và xuất khẩu. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, cổ phiếu STK đang được giao dịch với chỉ số P/E chỉ vào khoảng 7 lần, thấp hơn một nửa so với mức trung bình thị trường, chủ yếu do những lo ngại về biến động chi phí nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc đầu tư nhà máy Trảng Bàng 5, rủi ro này đã giảm bớt đáng kể và có thể là lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư.

Những cổ phiếu ngành dệt may đang có thời kỳ tăng trưởng tốt nhờ là một trong những ngành giải quyết rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng cảnh báo, những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thuê đất làm nhà xưởng để tận dụng nhân công giá rẻ làm hàng may mặc tới đây có thể không còn.

Nguyên do, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà đầu tư này sẽ rút về đất nước họ sử dụng trí tuệ nhân tạo bằng những công cụ người máy sản xuất những mặt hàng như dệt may mà không cần nhiều đến nhân công giá rẻ như những thập niên đã qua. Điểm này, không chỉ những nhà đầu tư chứng khoán cần cân nhắc mà cũng là một cảnh báo cho những nhà hoạch định chính sách kinh tế trong giai đoạn mới của Việt Nam.

…hay thực phẩm, điện năng

Ngành dược phẩm hay thực phẩm cũng là nơi phù hợp để dòng tiền trú chân, thậm chí đây luôn là nơi mà các nhà đầu tư ngoại gia tăng tỷ lệ sở hữu mỗi khi có cơ hội thâu tóm. Điển hình như tại Dược Hậu Giang, công ty này mới đây đã tăng room cho khối ngoại lên mức tối đa 100% và ngay sau đó, cổ đông Nhật Bản Taisho đã thông báo chào mua thêm 7% cổ phần DHG để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 32%. Còn tại Vinamilk, Tập đoàn F&N Dairy tiếp tục chào mua thêm 14 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu lên 18,31%.

Hay tình trạng thiếu hụt năng lượng khi phải đáp ứng cho nhu cầu của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Việt Nam lại mang đến cơ hội cho các cổ phiếu điện năng. Nhất là những DN có quy mô lớn và nằm gần các địa phương phát triển kinh tế năng động.

Điển hình là trường hợp của Nhiệt Điện Nhơn Trạch 2 (NT2) nhờ hưởng lợi khi ở vị trí gần trung tâm phụ tải miền Nam, nơi có nhu cầu điện cao nhất cả nước nhưng số lượng các nhà máy phát triển trong vùng còn hạn chế. Trong các năm qua, ngoại trừ khoảng thời gian phải tạm dừng để bảo trì theo kế hoạch, sản lượng điện huy động của NT2 luôn đứng ở mức cao, riêng trong năm nay có thể lên tới 5,1 tỷ KWh, tăng 10% so với năm trước.

Bên cạnh đó, NT2 còn nhận được hỗ trợ từ giá điện bán cho EVN cải thiện, với mức tăng 51% trong 4 tháng đầu năm nay. Áp lực nợ vay và lỗ tỷ giá về cơ bản đã giảm bớt và dự kiến công ty sẽ trả hết nợ vào năm 2020. Với mức giá giao dịch vào hôm 13/7/2018, chỉ số P/E của NT2 chỉ mới ở mức khoảng 10 lần, tức hoàn toàn phù hợp cho các nhà đầu tư có định hướng an toàn giải ngân vào thời điểm này.

Nhìn chung, diễn biến của VN-Index trong thời gian tới là khó đoán. Theo phân tích của Quỹ Vietcombank (VCBF) đợt điều chỉnh lần này có thể không phải là dấu hiệu của một đợt khủng hoảng mới, mà có thể đơn thuần là một đợt điều chỉnh lớn của thị trường khi có một số yếu tố vĩ mô tiềm ẩn rủi ro. “Trong khi không chắc chắn rằng diễn biến thị trường xấu như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu, VCBF rất tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn”, quỹ đầu tư này nhận định.

Thị trường trong phiên cuối tuần qua đã khởi sắc hơn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu blue-chips. Kết phiên, VN-Index tăng 11,21 điểm (+1,25%), lên 909,72 điểm với 205 mã tăng và 70 mã giảm. Thanh khoản cũng tăng khá, tổng khối lượng giao dịch đạt 140,4 tỷ đồng, giá trị 2.869,45 tỷ đồng, tăng 23,4% về khối lượng và 22,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,44 triệu đơn vị, giá trị 620 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 2,08 điểm (+2,07%), lên 102,51 điểm với 93 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,45 triệu đơn vị, giá trị 426,38 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 15,2 tỷ đồng.

UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,91%), lên 49,27 điểm với 112 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,77 triệu đơn vị, giá trị 157 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,13 triệu đơn vị, giá trị 25,44 tỷ đồng.