Thị trường tài chính hấp dẫn vốn ngoại

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Tập đoàn Nhật Bản MUFG gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam thông qua khoản đầu tư gián tiếp của Krungsri (Thái Lan) tại SHB Finance, là diễn biến mới nhất trong làn sóng đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam của các định chế tài chính hàng đầu châu Á.

Ảnh: MUFG
Ảnh: MUFG

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.

Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Krungsri được biết đến là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ và tiền gửi. Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) - tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản đang nắm giữ 76,88% vốn của Krungsri.

Tại Việt Nam, MUFG cũng đang là cổ đông chiến lược, sở hữu gần 20% vốn của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank).

3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là SMBC, MUFG và Mizuho đều đã hiện diện tại Việt Nam và ngày càng tỏ rõ tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Cuối tháng 4/2021, tập đoàn SMBC của Nhật Bản đã mua 49% cổ phần Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit của VPBank với giá 1,37 tỷ USD, tương đương mức định giá FE Credit gần 2,8 tỷ USD, vượt xa mức vốn hoá của nhiều ngân hàng cỡ khá trong nước.

Thương vụ tỷ đô này được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển thị trường tài chính Việt Nam, khi các tổ chức tín dụng, nhất là các đơn vị lớn và hiệu quả nhất được nhà đầu tư nước ngoài săn đón và sẵn sàng trả giá cao. Hàng loạt các ngân hàng trong nước cũng đang lên kế hoạch bán công ty tài chính trong năm nay như MSB, SeABank...

Năm 2019, KEB Hana Bank của Hàn Quốc cũng đã trở thành nhà đầu tư chiến lược, sở hữu 15% cổ phần BIDV. Ở một thương vụ quy mô khiêm tốn hơn, Aozora của Nhật Bản năm ngoái đã mua 11% cổ phần phát hành thêm của OCB để trở thành cổ đông chiến lược, trước khi nhà băng này niêm yết trên sàn HoSE đầu năm nay.

Không chỉ gia tăng sự hiện diện tại các ngân hàng, công ty tài chính mà các nhà đầu tư châu Á cũng đang tỏ rõ sự hứng thú với thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Nhà đầu tư Việt Nam các năm qua chứng kiến làn sóng các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc liên tục gia tăng sự hiện diện, với tham vọng tạo lập cuộc chơi mới và dẫn dắt thị trường, gia tăng sức ép lên các công ty chứng khoán nội địa.

Gần đây nhất, tháng 9/2020, Công ty Chứng khoán SJC chính thức chuyển nhượng 65,01% vốn cho Công ty Quản lý quỹ Asam Asset Management (Hàn Quốc), với mức giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Công ty Chứng khoán SJC có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Uớc tính, Asam Asset Management đã chi ra hơn 20 tỷ đồng cho thương vụ này. Sau giao dịch, Asam Asset Management nắm giữ khoảng 80% vốn tại Công ty Chứng khoán SJC.

Cuối tháng 8/2020, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, 100% vốn thuộc sở hữu của Ngân hàng Kwangju. Đây là ngân hàng thương mại thuộc Tập đoàn JB Financial (Hàn Quốc). Cuối năm 2019, Chi nhánh Ngân hàng Kwangju đã ký thỏa thuận mua lại Morgan Stanley Gateway Securities tại Việt Nam với giá 382,4 tỷ đồng (tương đương 16,5 triệu USD).

Sau khi 2 thương vụ trên hoàn tất, hiện có khoảng 8 công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc đang hoạt động, chiếm hơn một nửa tổng số công ty chứng khoán nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

Những thương vụ kể trên cho thấy một xu hướng rõ nét: Thị trường tài chính Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á.

Không chỉ đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần chiến lược. Nhiều ngân hàng châu Á cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam thông qua việc mở chi nhánh hay thành lập ngân hàng 100% vốn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020 có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn điều lệ vào khoảng hơn 41.200 tỷ đồng. Trong đó, khối ngân hàng nước ngoài châu Á có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Như Shinhan Bank của Hàn Quốc, tới cuối năm 2019 có vốn chủ sở hữu 16.546 tỷ đồng, đứng đầu trong 9 ngân hàng 100% vốn ngoại, tăng 63% so với năm 2016, trong khi tổng tài sản tăng với tốc độ còn nhanh hơn, 88% lên mức 103.431 tỷ đồng.

Các ngân hàng châu Á khác cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của Public Bank Việt Nam (Malaysia) tăng 105%, UOB Việt Nam (Singapore) tăng 53%, Hong Leong Bank (Malaysia) tăng 39%, CIMB Việt Nam (Malaysia) tăng 33%, Woori Việt Nam (Hàn Quốc) tăng 92%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với Mỹ - châu Âu, các tập đoàn tài chính châu Á có lợi thế hơn ở Việt Nam khi có ít nhiều sự đồng điệu về văn hoá, tín ngưỡng, dẫn tới mức độ am hiểu và thích nghi thị trường cao hơn.

Với dân số lên đến 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt ở mảng ngân hàng số và ngân hàng bán lẻ.

Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng mua cổ phần tại những ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm… Các đối tác quan tâm đến ngân hàng Việt chủ yếu đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Về thị trường chứng khoán, khi tỷ lệ dân số đầu tư chứng khoán còn thấp nhưng đang có xu hướng tăng nhanh, cùng định hướng phát triển bền vững của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm lớn của các định chế nước ngoài trong thời gian tới.