Thị trường tài chính sẽ diễn biến ra sao sau động thái can thiệp vào biến động tỷ giá?
Từ ngày 3/7/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có động thái can thiệp vào tỷ giá VND/USD sau khi phát đi thông điệp một ngày trước đó. Cụ thể, NHNN đã giảm mạnh giá bán USD ra thị trường, mức giảm 244 đồng tương đương 1% về 23.050 đồng và tiếp tục giữ đến ngày 5/7/2018. Mức giá này cũng thấp hơn tới 264 đồng so với mức trần của tỷ giá trung tâm. Liên quan đến động thái này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý đã có một số chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý |
Tỷ giá tăng những ngày qua chủ yếu do một số nguyên nhân như: Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm.
Hơn nữa, một số yếu tố trong tác động tới tâm lý thị trường như: Thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh và thị trường bất động sản đang bộc lộ những vấn đề bất ổn, thậm chí đã có cảnh báo là bong bóng.
NHNN chính thức can thiệp vào biến động tỷ giá và tuyên bố nếu cần thiết, cơ quan này sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường. Ông có nhận định thế nào về động thái này của NHNN?
Việc can thiệp vào biến động tỷ giá hối đoái VND/USD nếu bằng hình thức bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn sẽ phụ thuộc vào dự trữ ngoại vệ của NHNN. Biện pháp này trong trong những trường hợp trước đây đã tỏ ra hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng. Dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện nay khoảng trên 63,5 tỷ USD, và đây là kỉ lục cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, nếu quy con số dự trữ ngoại hối trên tương đương với số tháng nhập khẩu (tính theo kim ngạch) của Việt Nam thì chúng ta cần cân nhắc sử dụng dự trữ này và thận trọng khi đưa ra các quyết định bình ổn tỷ giá bằng hình thức bán ngoại tệ giá thấp hơn.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của cả nước ước đạt 111,36 tỷ USD, vậy trung bình mỗi tháng, kim ngạch nhập khẩu trung bình đạt 18,56 tỷ USD. Và con số dự trữ ngoại hối vừa được công bố là gần 63,5 tỷ USD thì mức dự trữ ngoại hối mới chỉ tương đương với 3,42 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Con số này chỉ hơn một chút so với con số tối thiểu 3 tháng nhập khẩu mà thế giới khuyến nghị để có thể gọi quỹ dự trữ ngoại hối của một nước nào đó là đủ lớn trong việc đối phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Trước những động thái đó của NHNN và bối cảnh thị trường tài chính hiện nay, theo ông, những diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ như thế nào?
NHNN can thiệp vào biến động tỷ giá hối đoái với động thái điều chỉnh và (nếu cần thiết) bán ngoại tệ nhằm bình ổn cho tỷ giá hối đoái là điều tốt và thị trường tài chính Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến lạc quan sau nhiều tác động tiêu cực từ tình trạng giảm qua nhiều phiên vừa qua của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, nếu động thái bán ngoại tệ vẫn chưa thể bình ổn được tỷ giá hối đoái thì một trong những biện pháp cân nhắc để sử dụng tiếp khả năng là phải tăng lãi suất. Động thái này sẽ tác động mạnh và làm bình ổn giá giá hối đoái khá hiệu quả nhưng sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và tăng sự “nóng” của thị trường bất động sản hiện nay.
Trong trường hợp không ai mong muốn này, tôi nghĩ khả năng Chính phủ phải xem xét đánh đổi tăng trưởng kinh tế để tăng lãi suất nhằm giữ được bình ổn tỷ giá hối đoái.
Xin cảm ơn ông!