Tỷ giá USD/VND tăng “nóng”, hiện tượng nhất thời hay xu hướng?
Tỷ giá trung tâm và giá USD tại các ngân hàng thương mại liên tục leo cao và lập đỉnh mới. Hiện giá chào mua USD tại một số nhà băng đã chạm 23.000 đồng/USD. Liệu đây chỉ là một diễn biến ngắn hạn mang tính thời điểm, hay đang gợi mở một xu hướng của tỷ giá trong năm nay?
Giá chào mua USD đã chạm mốc 23.000 đồng
Tỷ giá trung tâm ngày 2/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.635 đồng, giảm 15 đồng so với mức công bố sáng thứ 7 tuần trước.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.314 đồng và tỷ giá sàn là 21.956 đồng.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng nóng.
Nếu như lúc đầu giờ sáng, giá USD tại các nhà băng không có nhiều biến động so với cuối tuần trước, thì đến thời điểm hiện tại (14h45 phút), sau nhiều lần liên tục được điều chỉnh, giá đồng bạc xanh đã tăng mạnh và vượt xa mốc 23.000 đồng.
Cụ thể, Vietcombank tăng 40 đồng ở cả hai chiều so với giá mở cửa, lên mức 22.960-23.030 đồng (mua vào - bán ra).
Vietinbank cũng tăng tới 54 đồng ở mỗi chiều, lên 22.983-22.053 đồng trong khi BIDV tăng 50 đồng, lên 22.975-22.045 đồng.
Các ngân hàng thương mại khác cũng tăng mạnh giá USD từ 50 đến 70 đồng so với giá mở cửa. Cá biệt, tại một số ngân hàng, giá mua đã được đẩy lên 23.000 đồng cho 1 USD, như tại Eximbank (23.000-23.070 đồng).
Trên thị trường tự do, USD đang được chào mua vào với giá khoảng 23.090 VND/USD, bán ra với giá 23.120 VNĐ/USD. Như vậy, chênh lệch giữa hai thị trường đang ở mức khoảng 80 đồng/USD.
Tính từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng 220 đồng, tương đương 0,98% trong khi giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 295 đồng, tương đương 1,3%.
Trong đó, chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần, từ hôm Fed quyết định tăng lãi suất đồng USD (14/6), tỷ giá trung tâm đã tăng 0,23% trong khi tại ngân hàng thương mại, đồng bạc xanh cũng tăng 0,79%.
Nhất thời hay xu hướng?
Một câu hỏi đặt ra là, việc tỷ giá trong nước liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây chỉ là một diễn biến ngắn hạn mang tính thời điểm, hay đang gợi mở một xu hướng?
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng, diễn biến tỷ giá trong đợt điều chỉnh gần đây chịu tác động rất mạnh từ thị trường quốc tế, đặc biệt là tác động mạnh của sự tăng giá đồng USD do Fed tăng lãi suất, đồng thời, cũng phản ảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu ở các ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Châu Âu và Nhật Bản.
Ngoài ra, sự “chống chếnh” của tỷ giá trong thời gian này cũng phản ánh sự suy giảm của thương mại quốc tế so với dự báo ban đầu, chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Châu Âu, Mỹ - Canada và Mexico, thậm chí các nước nhỏ trong nội bộ khối Asean cũng đang có nhiều biến động khi xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá như Thái Lan kiện Indonesia, Việt Nam – Trung Quốc.
Theo đó, điều này có thể có tác động tâm lý nặng nề đối với thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng khá lớn đến tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo dự đoán của giới phân tích, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ đình trệ trở lại, hay nói cách khác là đà tăng trưởng suy giảm. Một số nước mới nổi có thể có những biến động về tỷ giá hối đoái và quay trở lại tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai.
Cũng nằm trong xu thế đó, đối với Việt Nam, chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm dần lại, các quý sau sẽ không thể đạt được mức cao như quý I vừa qua.
“Xu thế dài hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể chậm lại vì vừa do tính chu kỳ kinh tế, vừa có tính suy giảm nhất định của xuất khẩu, dưới tác động bất lợi của chiến tranh thương mại, cũng như từ suy giảm đầu tư công, suy giảm vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp”, TS. Nghĩa phân tích.
Dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng, điều này sẽ không có tác động mạnh đến thị trường hối đoái của Việt Nam.
“Tỷ giá sẽ không có biến động lớn do lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp, lãi suất đồng VND tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, thì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có triển vọng đầu tư tốt.
Vì thế, chúng ta có thể khẳng định biến động tỷ giá như vừa rồi là cần thiết, do có những tác động khách quan nhưng cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN”, TS. Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, hiện NHNN đang có trong tay rất nhiều công cụ, chính sách hỗ trợ để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu giữ tỷ giá tăng 1,5%-2% trong năm nay.
“Hiện thanh khoản USD vẫn rất dồi dào, dự trữ ngoại hối đã lên tới hơn 63 tỷ USD, chưa kể năm nay chúng ta sẽ cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp Nhà nước. Theo dự báo, năm nay việc cổ phần hóa sẽ giúp thu về khoản tiền hàng chục tỷ USD. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, bất động sản cũng là nguồn vô cùng quan trọng”, TS. Tín nói.
Dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng, không loại trừ những biến động quá sốc như lãi suất đồng USD tăng mạnh hơn so với dự báo, như thay vì tăng 4 lần Fed sẽ tăng 5, 6 lần, hay mỗi lần thay vì tăng 0,25 điểm %, Fed sẽ tăng 0,5 điểm %, 0,75 điểm% thì tỷ giá có thể vượt mức 2%.
“Nhưng với tình hình hiện nay, tôi cho rằng đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ tăng 1,5%-2% như dự báo”, chuyên gia cho hay.
Còn theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, thì trong 6 tháng cuối năm 2018, tỷ giá sẽ tiếp tục có xu hướng tăng, với mức tăng khoảng 1%-3% so với đầu năm, là mức có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia, việc tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng ngoại tệ tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát.