Thị trường Tài chính - Tiền tệ thế giới quý I/2014

Hải An

(Tài chính) Kết thúc quý I/2014, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới đã có những biến động đáng kể.

Chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3/2014, chỉ số Dow Jones chốt ở ngưỡng 16.457,66 điểm. Như vậy, chỉ số chứng khoán này đã tăng  0,8% trong tháng 3, tháng tăng thứ 2 liên tiếp nhưng lại giảm 0,7% trong quý I/2014.

Chỉ số S&P 500 lên ngưỡng 1.872,34 điểm trong cùng phiên giao dịch. Tính riêng trong tháng 3, chỉ số này tăng 0,7% và quý I/2014 tăng 1,3%.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq ở mức 4.198,99 điểm, giảm mạnh 2,5% trong tháng 3, nhưng vẫn tăng nhẹ 0,5% trong quý I/2014. Như vậy, chỉ số S&P500 và Nasdaq có quý tăng thứ 5 liên tiếp, mặc dù là mức tăng nhỏ nhất cho cả 2 kể từ quý IV/2012.

Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng những ngày cuối quý I sau thông tin chỉ số biểu thị chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ tăng mạnh nhất trong 3 tháng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã xoa dịu lo ngại của giới đầu tư về khả năng xảy ra một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Bà Janet Yellen đưa ra dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán khu vực bị hạn chế đà tăng điểm do căng thẳng địa chính trị leo thang tại Nga – Ukraine và thái độ có phần khá quyết liệt của Eurozone và Mỹ đối với lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, nhìn chung các chỉ số đều tăng điểm nhờ sự hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế của EU và Mỹ hết sức khả quan. Tâm lý còn được hỗ trợ khi nhà đầu tư hy vọng về khả năng có các biện pháp kích thích mới từ ECB sau khi lạm phát của khu vực đồng Euro giảm xuống mức thấp.

Đóng cửa, chỉ số FTSEurofirst của các cổ phiếu hàng đầu Châu Âu lên mức 1.333,55 điểm, đưa mức tăng của quý I/2014 lên 1,3%.

Diễn biến chỉ số Dow Jones quý I/2014

(Đơn vị tính: điểm)

                            Thị trường Tài chính - Tiền tệ thế giới quý I/2014 - Ảnh 1

                                                                                                                           Nguồn: Bloomberg.com
Vàng

Kết thúc phiên 31/3/2014, giá vàng giao ngay trên thị trường New York ở mức 1.284,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 ở mức xuống 1.283,4 USD/ounce. Tính trong tháng 3/2014, giá kim loại quý này đã trượt 2,9%, nhưng vẫn chốt quý I/2014 tăng 6,8%.

Theo số liệu của hãng tin Reuters, trong vòng 10 phiên giao dịch cuối tháng, giá vàng đã giảm khoảng 100 USD/oz kể từ mức đỉnh của 6 tháng đạt được vào giữa tháng 3. 

Căng thẳng địa chính trị ở Ukraine giảm bớt, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm nâng lãi suất đồng USD là những nguyên nhân chính đẩy giá vàng đi xuống. Nhu cầu vàng vật chất của khu vực châu Á chưa khởi sắc trong đợt giảm giá này, nên lực nâng đỡ cho giá vàng từ thị trường vàng vật chất hầu như xuất hiện.

Trong nước, phiên cuối cùng của tháng 3, giá vàng SJC bán ra ở mức 35,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong tháng 3 vừa qua, giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” khoảng 1 triệu đồng/lượng do giá vàng thế giới liên tục suy yếu. Thành quả trong cả quý I/2014 của vàng miếng thương hiệu này vì thế chỉ còn tăng khoảng 500.000 đồng/lượng.

                                                        Diễn biến giá vàng 6 tháng qua
                                                                                                              (Đơn vị tính: USD/ounce)

                               Thị trường Tài chính - Tiền tệ thế giới quý I/2014 - Ảnh 2

Dầu thô

Sau chuỗi ngày tăng mạnh do lo ngại cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây với Nga trong đó có cả lĩnh vực năng lượng, giá dầu đã hạ nhiệt trở lại trong phiên giao dịch cuối quý I/2014 khi có thông tin Nga đã rút quan khỏi dọc biên giới phía Đông của Ukraine.

Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ xuống còn 101,58 USD/thùng, tuy vậy vẫn tăng tổng cộng 1% trong tháng 3 và tăng 3,2% trong quý I.

Trong quý I, giá dầu của Mỹ tăng được lý giải còn do lượng cung dầu tại trung tâm giao nhận dầu kỳ hạn liên tục giảm và khi có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang cải thiện.

                                                 Diễn biến giá dầu thô ngọt nhẹ quý I/2014
                                                                                                    (Đơn vị tính: USD/thùng)
             
                         Thị trường Tài chính - Tiền tệ thế giới quý I/2014 - Ảnh 3

                                                                                                                   Nguồn: marketwatch.com
Tiền tệ

Kết thúc quý I/2014, trên thị trường tiền tệ, đồng USD giảm giá sau khi Fed cho biết có thể sẽ duy trì chương trình mua trái phiếu và mức lãi suất thấp thêm một thời gian.

So với yên, USD giữ ở 103,23 JPY/USD, giảm 2% so với yên trong cả quý 1. Chỉ số USD – theo dõi biến động của USD với các đồng tiền chủ chốt – giảm 0,11% xuống 80,089.

Phiên giao dịch 31/3/2014, tỷ giá cặp USD/EUR và USD/GPB được giao dịch lần lượt tại 1.3777 và 1.6665.
                                         
                                                        Diễn biến tỷ giá USD/EUR quý I/2014


                          Thị trường Tài chính - Tiền tệ thế giới quý I/2014 - Ảnh 4
                                                                                                                     Nguồn: Bloomberg.com