206 dự án nhà ở xã hội đình trệ vì thiếu vốn

Theo Hồng Loan/daibieunhandan.vn

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện có 206 dự án nhà ở xã hội tương đương với 8,5 triệu m2 nhà ở bị đình trệ do không vay được vốn sau gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhà ở xã hội mới đạt 30% mục tiêu

Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu năm 2015 có 10 triệu m2 nhà ở xã hội, đến nay đã đạt được chưa thưa ông?

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Ông Vũ Văn Phấn: Chương trình phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước rất quan tâm thời gian qua, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị và cho công nhân. Tuy nhiên, so với Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia thì kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Cụ thể, các địa phương mới thực hiện được 186 dự án, tương đương 3,8 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đặt mục tiêu năm 2015 có 10 triệu m2, năm 2020 có 12,5 triệu m2. Kết quả này rất thấp, có thể nói là chậm.

Nguyên nhân do đâu thưa ông?

Nguyên nhân có rất nhiều. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ khẳng định cơ chế, chính sách cho nhà ở xã hội đã đầy đủ, còn lại là tổ chức thực hiện.

Ngay sau đó, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm và xác định đây là một nhiệm vụ chính trị; đồng thời nhấn mạnh chính quyền địa phương là cấp quyết định thành công của chương trình này.

Thực tế thời gian qua có nhiều địa phương chưa mặn mà với phát triển nhà ở xã hội, chưa lo đến quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm và hàng năm.

 Về phía doanh nghiệp, tuy đã có cơ chế ưu đãi của Nhà nước nhưng cũng muốn ưu đãi hơn nữa, địa phương phải hỗ trợ hơn nữa thì mới mặn mà hơn.

Với người dân, hiện nay mức lương rất hạn chế, quan điểm về nhà ở cũng phải đổi mới, nếu mua nhà khó thì có thể tính đến thuê mua (gần giống như hình thức mua trả góp - PV) để có đủ khả năng chi trả. Trong chính sách hiện hành, các dự án nhà ở xã hội đều dành 20% cho thuê mua nhưng không có người đăng ký.
206 dự án bị đình trệ vì thiếu vốn

Tại cuộc họp báo quý I vừa qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết khó khăn lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay là vốn. Hiện có bao nhiêu dự án bị đình trệ vì thiếu vốn thưa ông? 

Quả thực, khó khăn lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay chính là vốn! Chúng ta đều biết rằng, điều kiện ngân sách hạn hẹp, đại bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đầu tư phát triển nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nước ta chưa phải là “khỏe” trong khi gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng kết thúc từ giữa năm 2016 và từ đó đến nay - đã gần 2 năm rồi, chúng ta chưa bố trí được nguồn vốn kế tiếp nào.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và các khu công nghiệp khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ bố trí được 1.262 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng (đạt khoảng 13%) so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài ra, nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP chưa được bố trí.

Hiện nay, Chính phủ đã bố trí 500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để triển khai chính sách ưu đãi lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội nhưng chỉ dành cho người có thu nhập thấp chứ không cho doanh nghiệp vay. Theo thống kê của các địa phương mà chúng tôi nắm được, có 206 dự án nhà ở xã hội tương đương gần 8,5 triệu m2 nhà ở đang bị đình trệ do không vay được tiếp sau gói 30 nghìn tỷ đồng.

 Hướng giải quyết của Bộ Xây dựng như thế nào, thưa ông?

Bộ Xây dựng đã nhận được một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cử tri, kiến nghị Nhà nước sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để tiếp tục cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội đang bị ách tắc, cũng như tạo điều kiện cho người nghèo được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã gửi văn bản lên Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBTVQH xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 3.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020. Đồng thời, cấp cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng.

Nếu chúng ta có nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại thì họ sẽ huy động được nhiều vốn hơn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân vay. Như vậy 206 dự án đang bị đình trệ chắc chắn sẽ được triển khai tiếp và những dự án nhà ở xã hội khác cũng sẽ được triển khai. Qua đó, giúp chúng ta có thể đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020.

Xin cám ơn ông!