Bất động sản: Đêm dài lắm mộng

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Song song với thông tin lạc quan, thị trường nhà ở bắt đầu hồi phục là việc nhiều dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Thị trường nhà ở bắt đầu hồi phục. Nguồn: internet
Thị trường nhà ở bắt đầu hồi phục. Nguồn: internet

Gần đây, nhiều địa phương ra "tối hậu thư” cho doanh nghiệp (DN) bất động sản: nếu không triển khai dự án đúng tiến độ sẽ bị thu hồi đất. Có thể kể đến như trường hợp UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát 700 dự án trên địa bàn đã được chấp thuận địa điểm đầu tư nhưng vẫn chưa hoặc chậm triển khai.

UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa làm việc với chủ đầu tư của 29 dự án nằm ở khu vực ven biển Đà Nẵng (trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và yêu cầu, chậm nhất đến quý II/2015, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng, nếu không sẽ bị thu hồi. Tình cảnh này quả xót xa so với năm 2006 - 2007, thời điểm Đà Nẵng được xem là điểm đến của các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi đã cấp phép hơn 10 năm nhưng vẫn "chưa nhúc nhích". Điển hình như dự án khu đô thị mới An Phú Hưng do Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư (đã cấp phép từ năm 2004), tọa lạc tại huyện Hóc Môn.

Hay những dự án có quy mô lớn, tỷ đô khác chưa có dấu hiệu khởi sắc về tiến độ như: khu đô thị Đại học Berjaya (Hóc Môn), khu trung tâm tài chính VFC tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh (cũng do Berjaya đầu tư). Hoặc dự án khu đô thị Phước Kiển - Nhà Bè, do Công ty Quốc Cường Gia Lai phát triển...

Dĩ nhiên, động thái mạnh tay với những dự án "rùa" là điều cần thiết, nhưng cũng cần phải xem xét nguyên nhân đã tác động đến tiến độ dự án.

Chẳng hạn, với dự án khu đô thị Phước Kiển - Nhà Bè, đại diện của Quốc Cường Gia Lai từng chia sẻ, hiện Công ty đã đền bù được trên 50% nhưng thời hạn triển khai trong giấy phép đã hết, nếu muốn tiếp tục dự án, DN này phải đấu thầu lại từ đầu, trong khi số tiền đổ vào đây đã lên đến con số ngàn tỷ đồng.

Song, điều đáng lo ngại cho Quốc Cường Gia Lai ở thời điểm này không phải chuyện làm hay không mà là phần lớn số tiền để phát triển dự án lại là vay nợ.

Riêng với những dự án lớn ở Hóc Môn, việc "giẫm chân tại chỗ” cũng không hẳn quá khó đề tìm ra nguyên nhân. Nếu nhìn vào quy hoạch không gian đô thị, TP. Hồ Chí Minh đang ưu tiên cho khu Nam, Tây Nam và Đông (đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm) thông qua việc đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm.

Còn khu đô thị Tây Bắc, theo các chuyên gia, ít nhất 10 năm nữa mới nhận thấy sự "thay da đổi thịt". Nếu muốn tăng mật độ dân cư, khu Tây Bắc phải có hạ tầng giao thông kết nối với khu trung tâm thành phố, các tiện ích về y tế, giáo dục...

Cũng cần phải nói thêm là thực tế chưa xảy ra nhưng các chủ đầu tư lại vẽ ra quá nhiều viễn cảnh về dự án, hay nói đúng hơn là nhiều doanh nghiệp muốn tạo nên một khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ hai, đối trọng với khu Nam Sài Gòn nhưng để làm được điều này, Công ty Liên danh Phú Mỹ Hưng phải mất gần 20 năm và số tiền bỏ ra ban đầu là rất lớn.