COVID-19 làm thay đổi tiêu chuẩn về nhà ở

Theo An Vũ/reatimes.vn

Dịch bệnh đã làm thay đổi những điều thiết yếu trong cuộc sống, theo đó xu hướng chọn nhà cũng ưu tiên những yếu tố quan trọng như công nghệ, môi trường sống xanh, đảm bảo sức khoẻ, tiện ích và dịch vụ thuận lợi...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đại dịch đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong quan điểm của chúng ta về nhà ở cũng như lối sống thường ngày. Mặc dù hầu hết mọi người đều mong muốn sinh sống tại những bất động sản gần biển hay tại nông thôn, nơi có không khí trong lành và thoáng đãng hơn nhưng cuối cùng đa số vẫn thường lựa chọn sống tại thành phố vì những tiện ích nhất định.

Tâm lý mua nhà tại thị trường Việt Nam cũng tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới và thay đổi theo những xu hướng sau:

Công nghệ thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống 

Cách đây khoảng chừng 15 năm, khi thiết kế và xây dựng nhà, rất ít chủ nhà nghĩ đến hay có nhu cầu về một hệ thống mạng internet cho ngôi nhà của mình, thậm chí cũng rất ít kiến trúc sư nghĩ đây là một hệ thống cần thiết cho ngôi nhà.

Tuy nhiên, trong bối cảnh 4.0, sự phát triển của các loại máy, các thiết bị số, thiết bị công nghệ cao sử dụng trong ngôi nhà ở đã làm đổi thay cuộc sống và không gian sống; các loại thiết bị này ngày càng hiện đại, thông minh hơn. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện, là bước đà tốt nhất thúc đẩy công nghệ được ứng dụng rộng rãi, chuyên sâu hơn trong các dự án bất động sản và đến từng căn hộ.

Trong buổi tọa đàm “Giải mã ‘vùng xanh’ bất động sản Nam Sài Gòn” mới đây, ông David Jackson, CEO của Colliers Vietnam chia sẻ, công nghệ là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến mọi khía cạnh trong cuộc sống. 

Một số tổ chức lớn như FPT đang hướng đến phát triển những đô thị thông minh với công nghệ tiên tiến. Nó sẽ tác động đến mọi mặt đời sống, không chỉ thu gọn trong nhà ở mà còn ở những khía cạnh khác như kiểm soát tiền tệ, hệ thống rác thải, taxi công nghệ và các loại phương tiện giao thông thông minh khác. Công nghệ sẽ góp phần cải thiện và ngày càng đóng vai trò vô cùng lớn trong cuộc sống.

Ông David Jackson cho biết thêm, đối với lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư vẫn đang tìm kiếm những công nghệ bất động sản mới. Trên thực tế, chúng ta đã có thể điều khiển ngôi nhà của mình chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mở khóa nhà bằng vân tay hoặc thậm chí kiểm soát các đồ dùng gia dụng bằng Siri hay Amazon Alexa thông qua giọng nói. 

“Vậy nên cuộc sống sẽ có những thay đổi lớn khi mà công nghệ đang từng bước tiến nhanh về phía trước”, ông David cho biết.

Nhà ở - biểu tượng của cá nhân hoá

Sau khi dành quá nhiều thời gian ở nhà do đại dịch COVID-19, người dân sẽ mong muốn cơ sở vật chất xung quanh tạo cho họ cảm giác được hòa mình với thiên nhiên, không còn cảm giác chật chội tù túng như khi ở trong thành phố. Chính vì thế, sự thay đổi xu hướng về lối sống là điều tất yếu. 

“Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ mở ra những khu vực mới chưa được phát triển, cư dân có thể di chuyển vào trung tâm thành phố dễ dàng hơn. Ở đó sẽ xuất hiện những xu thế mới về căn hộ và khu dân cư với chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ tốt”, ông David chia sẻ. 

Cũng trong một toạ đàm với chủ đề “Phát triển bất động sản bền vững trong kỷ nguyên số”, TS. Hoàng Hữu Phê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (R&D Consultants) cho biết, nhu cầu và xu hướng thị trường nhà ở đã thay đổi trong nhiều thập kỷ. Đơn cử như Hà Nội, trước giai đoạn 1989 - 1993, nhà ở được cung cấp cho người dân như dịch vụ xã hội. Người dân chỉ cần ngồi chờ là sẽ có nhà. Giữa những năm 80 và giai đoạn 1990 - 1996, nhà ở tập thể xuất hiện. Hình thức bán nhà ở theo dự án chỉ xuất hiện từ 1996 đến nay.

Cùng với đó là việc chuyển từ thị trường của người bán thành thị trường của người mua. Diện tích sàn bình quân đầu người ở Hà Nội tăng từ 10,5m2 vào năm 1999 lên 26,1m2 vào năm 2019. Do đó từ chỗ người bán ra điều kiện, người mua đã chiếm thế chủ động, được lựa chọn.

TS. Hoàng Hữu Phê cũng cho hay, quan niệm về nhà ở đã thay đổi. Khi xưa nhà ở chỉ là nơi cư trú, "chui ra chui vào" thì hiện nay nhà ở đã trở thành biểu tượng cá nhân hóa. Nhà khi xưa chỉ cần đủ diện tích để ở. Hiện nay, có biệt thự phục vụ giới nhà giàu, nhà nghỉ dưỡng cho nhu cầu hưởng thụ, nhà cho giới trẻ…

Xu hướng chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng ở thời điểm hiện tại chính là việc chăm sóc sức khỏe. Sau khi dịch COVID-19 đi qua, cư dân sẽ rất chú trọng đến việc lựa chọn cơ sở vật chất tốt để đảm bảo sức khỏe và bảo vệ cho gia đình. 

Theo báo cáo hồi tháng 5/2021 của Deloitte Việt Nam, đại dịch khiến mọi người tiết giảm tối đa các khoản tài chính cho nhu cầu mang tính tùy ý, tận hưởng như: Mua sắm, du lịch, giáo dục... Thay vào đó, họ gia tăng chi tiêu vào các sản phẩm thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm (tăng 84%); nhà ở (tăng 59%) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (tăng 58%).

Như vậy, ở khía cạnh nào đó, COVID-19 cũng có vai trò làm chất xúc tác khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe. Ngay cả khi lựa chọn nhà ở, tiêu chí về một căn hộ chất lượng, an toàn, đảm bảo sức khoẻ cũng lấn lướt các yếu tố về giá cả, vị trí và thậm chí là giá trị thương hiệu.

Theo Deloitte, yếu tố về chất lượng chiếm 25%, độ an toàn chiếm 23%, tổng cộng đã chiếm đến 48% trong quyết định mua nhà. Con số này vượt qua yếu tố về giá là 35% cùng các yếu tố khác như giá trị thương hiệu là 10%.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, xu hướng căn hộ sức khỏe trong thời dịch và hậu thời dịch sẽ dễ chiếm sóng thị trường. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần bắt đầu phát triển một số lĩnh vực mới, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, cộng đồng và phương tiện để có thể giúp đỡ mọi người nhiều hơn. 

Ông David Jackson cho biết, các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng và Việt Nam sẽ phát triển tương tự trong tương lai gần. Hiện nay có tới 65% dân số dưới 35 tuổi, khi số lượng người dân ngày càng già đi thì nhu cầu của họ về chất lượng cơ sở tương ứng cũng tăng lên. Họ sẽ muốn đến sinh sống ở nơi có thể cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất và hỗ trợ họ khi cần. 

“Trong bất động sản, theo nghiên cứu từ Colliers Vietnam, bên cạnh logistics hoặc dữ liệu thì yếu tố quan trọng hơn là chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi đang nhận thấy tiềm năng của các khu đô thị hoặc khu dân cư chăm sóc sức khỏe có vị trí gần các trường đại học hay các trung tâm y tế”, ông David nhận định.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Vinh, Tổng giám đốc Đất Xanh Premium cho rằng, xu hướng chăm sóc sức khỏe đang chiếm lĩnh thị trường. Nếu 5 - 10 năm trước, căn hộ chỉ cần có thêm hồ bơi hay vỉa hè rộng một chút là khách hàng đã chấp nhận thì hiện nay, nhà ở đòi hỏi nhu cầu cao hơn về hệ sinh thái tiện ích nội khu lẫn ngoại khu.

“Bên trong căn hộ sơn loại sơn nào, có hệ thống khử khuẩn không, không khí trong lành hay không? Dự án có mảng xanh phải đủ rộng lớn, phải đón đủ ánh sáng, ánh nắng để tập luyện thể dục, phát triển sức khỏe… Đó đều là những tiêu chí chọn nhà ở mà người mua nhà đang đặt ra”, ông Vinh nhận định.