Mặt bằng bán lẻ:

Cung cứ tăng, cầu tháo chạy...

Minh Hà

(Tài chính) Nhiều chuyên gia và những người quan tâm đến phân khúc mặt bằng bán lẻ không quá “ngỡ ngàng” khi hai công ty nghiên cứu và tư vấn Savills và CBRE Việt Nam công bố báo cáo quý III/2013, cho thấy tỷ lệ lấp đầy thị trường bán lẻ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm lần lượt 2% và 3% so với quý trước.

Mặt bằng bán lẻ "thất sủng" khi người tiêu dùng "thắt chặt chi tiêu". Nguồn: Internet
Mặt bằng bán lẻ "thất sủng" khi người tiêu dùng "thắt chặt chi tiêu". Nguồn: Internet

Hết thời “gả đẻ trứng vàng”

Mấy năm trước, mặt bằng bán lẻ được coi là “gà đẻ trứng vàng” và được nhiều chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài giành giật thị phần phân khúc này trên thị trường khi “đổ xô” xây dựng các trung tâm thương mại. Bởi vì, họ đặt niềm tin vào thị trường bán lẻ tiềm năng ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai gần.

Còn nhớ trong một buổi họp báo của một công ty tư vấn và nghiên cứu bất động sản nước ngoài tại Việt Nam hai năm trước, đại diện của công ty này nhận định, xu thế chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ truyền thống ở Việt Nam sẽ dần nhường thị phần cho các trung tâm thương mại và siêu thị khi nền kinh tế ngày càng phát triển và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng cao.

“Soi” nhận định trên vào thời điểm này có thể thấy hiện nay, thị trường bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là một số dự án mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phải đóng cửa vì không có khách thuê và sự “ra đi” của các thương hiệu bán lẻ lớn quốc tế và trong nước tại các trung tâm thương mại, vì kết quả kinh doanh không khả quan khi người tiêu dùng “thắt chặt hầu bao”.

Theo kết quả nghiên cứu của Savills Việt Nam, tại thị trường bán lẻ Hà Nội, công suất trung bình toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ quý II/2012 và đạt  85% tỷ lệ lấp đầy trong quý III/2013, giảm 2% theo quý và giảm 5% theo năm.

Tương tự, tại thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh trong quý III/2013 cũng không có “gam màu sáng” nào đối với phân khúc này.

Theo tìm hiểu của phóng viên FinancePlus, không chỉ riêng phân khúc mặt bằng bán lẻ đang gặp khó khăn và không có khách thuê mà cả các cửa hàng buôn bán truyền thống tại các tuyến phố lớn tại hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đang bỏ không và treo biển cho thuê khá nhiều. Điều này phản ánh tình trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

“Thị trường bán lẻ hoạt động yếu hơn so với quý trước do sự sụt giảm tạm thời trong tỷ lệ lấp đầy trung bình của tất cả loại hình bán lẻ ở tất cả các khu vực. Giá thuê trung bình giảm 2% và tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm 3% so với quý trước”, báo cáo của Savills viết.

Cung vẫn tăng hàng triệu m2

Những tưởng thị trường khó khăn thì nguồn cung phân khúc bán lẽ sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu của Savills, CBRE và Cushman & Wakefield Việt Nam dù đưa ra các con số khác nhau, nhưng vẫn có chung một kết quả là tình hình cho thuê mặt bằng bán lẻ đang ngày càng xấu đi và nguồn cung dự kiến gia nhập thị trường vẫn tăng mạnh trong giai đoạn 2014 - 2015.

Theo số liệu nghiên cứu thị trường bán lẻ quý III/2013 của Savills Việt Nam, tại TP. Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung bán lẻ quý vào khoảng 783.000 m2, tăng 1% so với quý trước do một siêu thị mới mở. Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 8 trung tâm bách hóa, 8 khối đế bán lẻ, 19 trung tâm mua sắm, 66 siêu thị và 3 trung tâm bán sỉ.

Trong khi đó, tại thị trường bán lẻ Hà Nội, tổng nguồn cung của thị trường bao gồm 140 dự án, cung cấp khoảng 897.000 m2, tăng 18% theo quý và 25% theo năm. Việc nguồn cung tăng mạnh là do có một dự án trung tâm mua sắm lớn đi vào hoạt động ở quận Thanh Xuân với tổng diện tích cho thuê lên tới 181.000 m2.

Điều đáng nói, trong khi thị trường bán lẻ khó khăn và có diễn biến xấu đi thì nguồn cung dự kiến gia nhập thị trường này sẽ tăng mạnh trong 2 năm tới. Theo Savills, từ năm 2013 trở đi, khoảng 1.400.000 m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường và dự kiến 37% nguồn cung tương lai gia nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014 – 2015.

Ở Hà Nội, trong tương lai, dự kiến sẽ có thêm 109 dự án, trong đó 106 dự án sẽ cung cấp khoảng 2 triệu m2 bán lẻ, tương đương với 220% tổng cung hiện tại. Từ quý IV/2013 đến năm 2014, 25 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 358.000 m2 sàn, tương đương 40% nguồn cung hiện tại. Mặt bằng bán lẻ trong  tương lai chủ yếu tập trung tại các quận nội thành với khoảng 1 triệu m2, chiếm đến 50% tổng nguồn cung tương lai.

Có lẽ câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là thị trường bán lẻ hiện tại và sắp tới sẽ diễn biến như thế nào? Đâu có lẽ là câu hỏi còn “bỏ ngỏ” chưa có câu trả lời thích đáng khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc.

“Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ kéo theo thị trường bán lẻ phát triển trở lại, nhưng trong thời gian chờ đến lúc đó, các chủ cho thuê phải tiếp tục đáp ứng mọi nhu cầu của nhà bán lẻ”, bà Ngọc Lê, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, nhận định./. 

Ở Hà Nội, trong tương lai, dự kiến sẽ có thêm 109 dự án, trong đó 106 dự án sẽ cung cấp khoảng 2 triệu m2 bán lẻ, tương đương với 220% tổng cung hiện tại. Từ quý IV/2013 đến năm 2014, 25 dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động, cung cấp khoảng 358.000 m2 sàn, tương đương 40% nguồn cung hiện tại. Mặt bằng bán lẻ trong  tương lai chủ yếu tập trung tại các quận nội thành với khoảng 1 triệu m2, chiếm đến 50% tổng nguồn cung tương lai.  Từ năm 2013 trở đi, khoảng 1.400.000 m2 diện tích bán lẻ mới sẽ gia nhập thị trường và dự kiến 37% nguồn cung tương lai gia nhập thị trường TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2014 – 2015.

                                                                 
Theo Savills Việt Nam.