Đề xuất phạt kịch khung 1 tỷ đồng với vi phạm trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản

Theo Bùi Hằng (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Bộ Xây dựng cho biết, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, việc quản lý đầu tư xây dựng hiện nay còn thiếu chế tài xử lý hay chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp.

Vi phạm trật tự xây dựng những năm gần đây diễn biến ngày một phức tạp gây nhức nhối dư luận. (Ảnh minh họa)
Vi phạm trật tự xây dựng những năm gần đây diễn biến ngày một phức tạp gây nhức nhối dư luận. (Ảnh minh họa)

Tại kỳ họp Quốc hội Bất thường ngày 4/1/2022, Bộ Xây dựng cho biết, sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung chưa như có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm.

Trong đó, một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý hay chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp.

Dự thảo nghị định sửa đổi lần này đã đưa vào các quy định của Thông tư số 03/2018/TT-BXD tăng mức tiền phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP trong toàn bộ dự thảo (có hành vi tăng 4 đến 5 lần như hành vi điều chỉnh quy hoạch, quản lý sử dụng nhà chung cư). Riêng vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản (BĐS), có hành vi bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự thảo nghị định tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi kinh doanh BĐS như chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định, bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.

Xử lý hành vi huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP hiện hành, mức phạt cao nhất chỉ là 300 triệu đồng.

Từ thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương tình hình vi phạm trật tự xây dựng bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền. Bên cạnh đó là tình trạng chủ đầu tư coi thường pháp luật, cố tình vi phạm.

Mặt khác, mới đây nhất Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BXD quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng thay thế Thông tư số 04/2014/TT-BXD. Thông tư nêu rõ:

Thứ nhất, giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh BĐS.

Thứ hai, giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

Thứ ba, giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: Giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; Thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; Giám định tư pháp về giá trị nhà ở và BĐS. Thông tư số 17/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2022.