M&A và những màn “bom tấn” trong lĩnh vực bất động sản

Theo Hải Nam/reatimes.vn

Dịch bệnh Covid-19 tưởng chừng khiến thị trường M&A sụt giảm nghiêm trọng nhưng thực tế, nhiều thương vụ triệu đô đã được xác lập trong lĩnh vực bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ thương vụ tỷ đô trong bất động sản thương mại

Tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2020, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc công ty AVM cho rằng, thị trường M&A đang bước vào giai đoạn mới với hàng nghìn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, Covid-19 đã trở thành tác nhân hình thành điểm nghẽn, khiến thị trường M&A chững lại, thậm chí suy giảm sâu.

Theo dữ liệu của CMAC tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tại Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% giá trị năm 2018. Do tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019. Hiện tại, bất động sản là một trong những lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất tại Việt Nam.

Thực tế, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang diễn ra khá sôi động với nhiều thương vụ “bom tấn”.

Theo thông cáo vừa được Vingroup phát ra ngày 16/6, một nhóm nhà đầu tư do quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Hoa Kỳ) đứng đầu, trong đó có quỹ đầu tư Temasek (Singapore) đã hoàn tất giao dịch mua lại hơn 200 triệu cổ phần VHM của CTCP Vinhomes thông qua giao dịch thỏa thuận, với giá trị giao dịch lên tới 15.100 tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD. Giao dịch được thực hiện qua Quỹ Asian Fund III.

Với tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch là 6% cổ phần, nhóm nhà đầu tư ngoại này đã trở thành cổ đông lớn (nắm trên 5% vốn) của Vinhomes.

Báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn Novaland công bố mới đây cho thấy, tính đến nay tập đoàn này đã nhận giải ngân tới 21.293 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, đối tác trong hoạt động huy động vốn. Khoản vốn này đa phần được dùng cho hoạt động M&A và đầu tư phát triển các dự án.

Quý III/2020, Novaland cũng đã hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng 51% cổ phần đang nắm giữ tại một công ty sở hữu dự án bất động sản thuộc khu vực trung tâm TP.HCM. Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2020 tập đoàn này cũng đã hoàn tất việc mua lại 99,98% Liberty với trị giá 1.400 tỷ đồng (công ty đang sở hữu 14,12% tại Thạch Mỹ Lợi - một dự án có quy mô gần 180ha tại Quận 2).

Tại Bình Dương, Phát Đạt đã tiến hành bắt tay với Tập đoàn Danh Khôi để phát triển dự án Astral City - dự án vừa được ra mắt vào hồi tháng 10/2020. Trong quý III, Phát Đạt cũng hoàn tất mua lại CTCP Bến Thành - Long Hải, chủ dự án khu du lịch Bến Thành - Long Hải tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phát Đạt đã chi tới 1.375 tỷ đồng để mua lại 68,75% vốn công ty này. 

Tập đoàn Danh Khôi cũng đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier.

Đến làn sóng rót vốn triệu đô trong bất động sản công nghiệp

Thị trường M&A sôi động đông chỉ trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Theo Savills, các hoạt động mua bán và sáp nhập bất động sản cũng diễn ra rất sôi động.

Ông John Campbell, quản lý bộ phận bất động sản Công nghiệp, công ty Savills Việt Nam, cho biết mới đây tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu đô la Mỹ cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam. Hay “gã khổng lồ” kho bãi châu Á là GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam. Hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu đô la Mỹ vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở tỉnh Bắc Ninh...

Quý III/2020 cũng ghi nhận, tỉnh Hà Nam cũng đón đầu làn sóng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu đô la Mỹ. Tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu đô la Mỹ. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu đô la Mỹ từ tập đoàn Wistron (Đài Loan).

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp cả nước đạt 76%. Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất. 

Với diễn biến sôi động như hiện tại, đại diện của Savills cũng đưa ra dự báo rằng, nhiều khả năng năm tới sẽ là một năm bận rộn và hiệu quả cho bất động sản công nghiệp Việt Nam sau khi những hạn chế di chuyển vì Covid-19 trên phạm vi quốc tế được gỡ bỏ. Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào sáu tháng đầu năm sau, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, 2021 sẽ là một năm hội tụ nhiều điều kiện và yếu tố để M&A "trỗi dậy”. những yếu tố tác động tới M&A thời gian tới là có thêm những thương vụ thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp với quy mô lớn làm gia tăng đáng kể giá trị M&A của Việt Nam.