Quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều bất cập

Theo Ngọc Hậu/thoibaonganhang.vn

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nguyên nhân chính là do tính pháp lý phức tạp; bên cạnh đó có nhiều văn bản của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và nhiều văn bản xử lý của thành phố có sự trùng lắp, mâu thuẫn, nên khi xử lý từng vụ việc chưa có sự thống nhất…

Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để giải quyết các bất cập trong công tác quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước . Nguồn: Internet.
Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để giải quyết các bất cập trong công tác quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước . Nguồn: Internet.

Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện để giải quyết các bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN) trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác quản lý nhà thuộc SHNN có nhiều bất cập và không còn phù hợp theo yêu cầu hiện nay. Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích 24 quận - huyện chủ yếu tập trung cho công tác kinh doanh và công ích; công tác quản lý nhà chưa thực sự chuyên sâu, quản lý, kiểm tra việc sử dụng nhà chưa chặt chẽ, nợ đọng tiền thuê nhà số lượng lớn nhưng chưa có giải pháp xử lý, công tác bán nhà còn chậm so với yêu cầu...

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến nhà thuộc SHNN, nguyên nhân chính là do tính pháp lý phức tạp; bên cạnh đó có nhiều văn bản của Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và nhiều văn bản xử lý của thành phố có sự trùng lắp, mâu thuẫn, nên khi xử lý từng vụ việc chưa có sự thống nhất…

Hiện nay, quỹ nhà ở cũ thuộc SHNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố và các Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích 24 quận - huyện quản lý giữ hộ là 10.598 căn hộ (chưa tính đến các trường hợp tiếp nhận và chuyển giao mới). Trong đó, có 572 căn hộ biệt thự, 4.648 căn hộ nhà phố, 5.378 căn hộ chung cư và đang quản lý trống là 82 căn nhà.

Thực hiện Nghị định số 61/CP của Chính phủ, từ năm 1994 đến 2013, TP. Hồ Chí Minh đã bán 102.396 căn hộ; Trong đó, nhà biệt thự 5.143 căn hộ, nhà phố và nhà chung cư 97.253 căn hộ. Tổng số tiền bán nhà ở đã thu được vào Kho bạc Nhà nước là 6.232 tỷ đồng.

Thống kê lũy kế, kể từ ngày 6/6/2013 (ngày Nghị định số 34/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/12/2016, tổng số nhà ở cũ đã giải quyết bán là 999 căn, với tổng số tiền là 463,1 tỷ  đồng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã bán nhà theo Nghị định số 34/2013 của Chính phủ là 634 căn, với tổng số tiền thu vào Kho bạc Nhà nước là 325,5 tỷ đồng và bán nhà theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 365 căn, với tổng số tiền thu vào Kho bạc Nhà nước là 137,6 tỷ đồng.

TP. Hồ Chí Minh đã chủ động trong việc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư như chương trình 12.500 căn hộ thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và quỹ nhà, đất trên địa bàn 24 quận, huyện với 41.050 căn hộ và nền đất (25.720 căn hộ và 15.330 nền đất) đã xây dựng hoàn thành.

Hiện, Thành phố đã sử dụng 29.127 căn hộ và nền đất (16.285 căn hộ và 12.842 nền đất), chiếm tỷ lệ 71% cho việc điều chuyển, cân đối quỹ căn hộ, nền đất cho các quận - huyện để phục vụ tái định cư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông; thu hồi nhà thuộc sở hữu Nhà nước; chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch...

Tuy nhiên, thực tế, lãnh đạo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, công tác tái định cư thời gian qua chủ yếu nhằm để người dân có chỗ ở, chưa quan tâm đến không gian sống và các chính sách an sinh xã hội tiếp theo, như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư.

Hơn thế, do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thay đổi, giá bồi thường đã tiếp cận sát với giá thị trường, nên phần lớn các đối tượng được bồi thường sẽ nhận tiền tự tạo lập chỗ ở mới như mua nhà ở thương mại tại các dự án, mua nhà ở riêng lẻ... phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính mà không lựa chọn phương thức nhận nhà ở tái định cư tại nguồn nhà do Nhà nước chuẩn bị sẵn.

Cùng với đó, vị trí tái định cư cũng không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Điều này dẫn đến nguồn nhà tái định cư đã chuẩn bị sẵn không sử dụng hết phải điều chuyển, cân đối cho các dự án tiếp theo hoặc tổ chức bán đấu giá nhằm thu hồi kinh phí nộp ngân sách.

Để tăng cường quản lý nhà thuộc SHNN, ông Danh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về việc bán nhà ở cũ thuộc SHNN đối với các trường hợp bố trí sử dụng nhà để ở từ sau ngày 19/1/2007;

UBND TP. Hồ Chí Minh cho tiến hành rà soát quỹ đất công thành phố quản lý, dùng tiền bán nhà ở cũ để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc SHNN theo Luật Nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách và cán bộ, công chức thành phố; 

Giao Sở Xây dựng chủ trì, triển khai cho UBND quận - huyện xác định nhu cầu tái định cư của các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn từng quận - huyện, để đăng ký sử dụng nguồn nhà ở, đất ở thuộc SHNN hàng năm.