Rủi ro về quyền sở hữu - Nỗi lo của người mua căn hộ

Theo Thanh Hải/doanhnhansaigon.vn

Nhu cầu mua nhà chung cư của người dân thành phố sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sự gian dối của nhiều chủ đầu tư đã khiến rủi ro về quyền sở hữu trở thành rào cản với nhiều người muốn mua căn hộ.

Nhu cầu mua nhà chung cư của người dân thành phố sẽ tiếp tục tăng. Nguồn: internet
Nhu cầu mua nhà chung cư của người dân thành phố sẽ tiếp tục tăng. Nguồn: internet

Vừa qua, việc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình bị xử phạt đình chỉ hoạt động kinh doanh đã cho thấy phần nào quyết tâm của UBND TP. Hồ Chí Minh trong việc chấn chỉnh lại thị trường căn hộ. Theo xu hướng phát triển chung, nhu cầu mua nhà chung cư của người dân thành phố sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sự gian dối của nhiều chủ đầu tư đã khiến rủi ro về quyền sở hữu trở thành rào cản với nhiều người muốn mua căn hộ.

Cần mạnh tay hơn với chủ đầu tư gian dối

Sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài, vừa qua Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình bị UBND TP. Hồ Chí Minh xử phạt 1,6 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh 12 tháng, đình chỉ xây dựng 6 tháng. Trong 16 vi phạm, đáng chú ý nhất là doanh nghiệp này không có hợp đồng bảo lãnh ngân hàng về bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ và ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa được Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện. Hành vi trên khiến Công ty Tân Bình bị xử phạt đình chỉ kinh doanh 12 tháng.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 7/2017, toàn TP. Hồ Chí Minh có 141.062 căn hộ chung cư, trong đó có 35.400 căn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (hay còn gọi sổ hồng). Trong đó, có 19.000 hồ sơ hợp lệ sẽ được cấp, còn lại 16.400 hồ sơ chưa được thực hiện vì nhiều lý do. Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết nguyên nhân của việc chậm cấp sổ hồng thường là do chủ đầu tư cố tình xây dựng sai phép, thế chấp căn hộ cho ngân hàng nhưng không giải chấp trước khi bán lại cho người mua, một dự án nhưng đem thế chấp nhiều lần…

Câu chuyện tại dự án Ruby Land (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Theo Ban quản trị chung cư, dự án đã bàn giao từ năm 2009, hiện có 280 hộ dân với 1.000 nhân khẩu. Dự án trước đây có tên Tân Hồng Ngọc, sau đổi thành Ruby Land, gồm một block chung cư 18 tầng do Công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư. Mặc dù đã vào ở nhiều năm nhưng cư dân không được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư đã mang dự án thế chấp tại ngân hàng.

Tương tự như trên có dự án Võ Đình hay còn gọi là Cheery 2 Apartment do Công ty Địa ốc Hoàng Quân và Công ty Xây dựng Võ Đình hợp tác đầu tư. Dự án có diện tích 4.205m2, quy mô gồm 15 tầng với 294 căn hộ. Theo phản ánh của cư dân, những khách hàng mua căn hộ từ chủ đầu tư Võ Đình đã được bàn giao sổ hồng. Tuy nhiên, với những khách hàng mua căn hộ từ Công ty Hoàng Quân thì đến nay chưa được cấp sổ dù đã trải qua 3 năm với nhiều lần đòi đối thoại với lãnh đạo công ty.

Người mua nhà đã có thêm thông tin

Theo luật sư Trần Đức Phượng, việc các chủ đầu tư thế chấp dự án bất động sản tại các ngân hàng là điều bình thường, được các quy định pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư muốn bán lại các tài sản này cho người mua thì buộc phải giải chấp tài sản hoặc được sự đồng ý của ngân hàng.

Trên thực tế không ít chủ đầu tư đã cố tình giấu thông tin về dự án đang thế chấp để bán cho khách hàng. Trước tình hình đó, gần đây Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã công khai danh sách một loạt dự án đang thế chấp tại ngân hàng để người mua nhà được nắm.

Mới đây nhất, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng cho biết hiện nhiều dự án bất động sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đáng chú ý là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang được thế chấp tại công ty này.

Tại TP. Hồ Chí Minh, những dự án được nêu tên gồm: dự án khu dân cư 584 Tân Kiên (Bình Chánh) hiện đang thế chấp trên 600 căn hộ; chung cư Vạn Hưng Phát (quận 8) thế chấp 14 căn hộ; chung cư Thái Bình Plaza (quận 2) thế chấp 141 căn hộ (nay đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang); dự án 584 Lilama SHB Plaza (quận Gò Vấp) thế chấp 724 căn hộ; dự án Cao ốc Xanh (quận 9) thế chấp 730 căn hộ.

VAMC cũng đang nhận thế chấp nhiều quyền sử dụng đất và công trình hình thành tương lai trên đất tại dự án chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ diện tích 2.217m2 tại 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3 (dự án New Pearl); gần 20.000m2 để xây dựng dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long; quyền sử dụng đất và tài sản đã đầu tư trên đất 71.497m2 đất xây dựng dự án khu trung tâm thương mại và dân cư Hưng Điền tại phường 16, quận 8.

Hay khu dân cư 13E Phong Phú (huyện Bình Chánh) tại thửa đất số 141-149, 151-157, 161-173 và 790, tờ bản đồ số 30 với tổng diện tích 16.972m2; dự án PetroVietnam Landmark tại phường An Phú, quận 2. Một số tài sản hình thành trong tương lai tại TP. Hồ Chí Minh cũng có mặt trong danh sách dự án thế chấp tại VAMC, gồm dự án SouthGate Tower (quận 7); dự án căn hộ và văn phòng cao tầng (Saigon Apartment); quyền sử dụng 7.016m2 đất dự án tại 201-203 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình thuộc quyền sử dụng của Tập đoàn S.S.G.