Chứng khoán Việt trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài
Đối với cácnhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được các nhà đầu tư quốc tế dành sự quan tâm với cả 3 kênh rót vốn, bao gồm đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và đầu tư thông qua hệ thống các quỹ.
Mới đây, VinaCapital – tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam với tổng giá trị tài sản quản lý hiện đạt hơn 3,3 tỷ USD tổ chức Hội nghị NĐT VinaCapital 2019.
Hội nghị được tổ chức đúng ngày Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố khiến NĐT ngoại hào hứng hơn với các cơ hội được chia sẻ.
Không còn rẻ
Tại Hội nghị, các NĐT chia sẻ: về định giá, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt đã không còn rẻ nữa khi chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) đang tiệm cận về vùng 16-17 lần, như tại các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN.
Theo đại diện của VinaCapital, “Trước đây, khoảng cách chênh lệch P/E giữa Việt Nam và nhóm này là 20%, hiện tại chỉ còn 10%”.
Thực tế, vốn hoá TTCK Việt Nam đã tăng 6 lần từ mức 33,8 tỷ USD năm 2009 lên 195,6 tỷ USD, với 1.592 mã cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Trong đó, vốn hóa của HoSE vẫn dẫn đầu với 143,2 tỷ USD, UPCoM đạt 44,4 tỷ USD vượt HNX chỉ 8 tỷ USD.
Động lực tăng trưởng chính của sàn UPCoM là do động thái của Chính phủ yêu cầu các công ty sau cổ phần hoá phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. Năm 2017 là năm bùng nổ của cổ phiếu lên sàn khi có 268 mã mới lên giao dịch trên UPCoM, 33 mã lên HoSE và HNX là 22 mã.
Đến thời điểm hiện tại, sự chênh lệch giữa các cổ phiếu vốn hoá lớn và vốn hoá nhỏ đang ở mức 70%, trong khi năm 2014 chỉ khoảng 30%. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu của các công ty lớn đã trở nên đắt đỏ hơn, nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất hiện nay đang chiếm 46,4% vốn hoá toàn thị trường.
Theo đại diện của một quỹ thuộc VinaCapital, các doanh nghiệp vốn hóa lớn đã tăng 50% trong 5 năm qua, từ P/E 12,8 năm 2014 lên 19,1 năm 2019. Trong khi đó, P/E của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không nhiều thay đổi từ 10,2 lên 10,9.
Trước đó, công ty chứng khoán VietinbankSC cũng đưa ra nhận định, TTCK Việt năm 2019 sẽ không phải là màu hồng, không phải là màu xám mà mang sắc thái trung tính. Chỉ số P/E hiện tại đã cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2013-2018 và trung bình khu vực Đông Nam Á.
Tỷ suất sinh lời của Vn-Index (Earning Yeild) hiện đạt 6,8%, không hấp dẫn khi so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng.
Tuy nhiên, chính sự không đồng đều về định giá tại thị trường Việt Nam cùng với không gian đầu tư cho các NĐT ngoại mới chỉ đạt ở mức nhỏ (chỉ 42/1.600 doanh nghiệp có room ngoại 100%) lại là điểm khiến TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn các thị trường khác.
Cơ hội tiềm ẩn còn rộng
Tại Hội nghị đầu tư, ông Don Lam – Tổng giám đốc VinaCapital, cho biết, yếu tố khiến NĐT ngoại muốn tìm cơ hội ở Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, giá trị đồng nội tệ biến động không đáng kể so với một số thị trường khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Theo thống kê của VinaCapital, các cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX có vẻ như đang được định giá thấp hơn khá nhiều so với sàn HoSE. Cụ thể, các doanh nghiệp trên HoSE có chỉ số P/E bình quân lên tới 16,7 lần, còn sàn HNX chỉ đạt 7,3 lần.
Tuy vậy, so với giá trị vốn hóa thì thanh khoản của sàn HNX lại cao gấp đôi sàn HoSE, lần lượt ở mức 0,2% và 0,1%/ngày.
Đáng chú ý, tỷ lệ sở hữu bình quân của khối ngoại tại HNX là 16,4%, trong khi tại HoSE là 24,7%. Điều này cho thấy khối các NĐT nước ngoài mới chỉ chú trọng vào các doanh nghiệp trên HoSE, chưa khai phá cơ hội ở khối doanh nghiệp niêm yết vừa và nhỏ.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết chỉ cần các NĐT quốc tế tham dự Hội nghị rót thêm 1 tỷ USD vào TTCK Việt Nam thì thị trường sẽ có những chuyển biến khác.
Thực tế, vốn ngoại là “mênh mông” nhưng các NĐT nước ngoài khi quyết định đầu tư không phải vì cổ phiếu mà là đặt cược vào chính những người điều hành công ty. Do đó, khả năng lãnh đạo, minh bạch thông tin là điều mà khối ngoại soi xét rất kỹ.
Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ đáp ứng được tiêu chuẩn này. Có một nhà quản lý quỹ tại Việt Nam đã từng chia sẻ rằng, nhiều NĐT nước ngoài đưa ra câu hỏi về việc tại sao nợ xấu ở Việt Nam có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng nhưng không ai chịu trách nhiệm? Do không có giải thích thỏa đáng nên nhiều NĐT ngoại rất dè dặt đổ vốn vào thị trường.
Bởi vậy, bên cạnh yếu tố đầu tiên là sự ổn định và tăng trưởng cao của nền kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngoài việc thúc các DN đại chúng lên sàn còn phải giám sát các DN minh bạch và quản trị theo quy chuẩn pháp luật, để tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư.