Thị trường tiền tệ “lặng sóng”?
(Tài chính) Thị trường tiền tệ có thực sự “lặng sóng” khi hàng loạt vấn đề đang nổi lên như: mối lo về tính pháp lý của đồng tiền ảo, bao giờ sẽ phân loại nợ xấu theo chuẩn mới và có hay không gói tín dụng trị giá 100.000 tỷ đồng… Khó có thể đoán định rằng thị trường sẽ “êm đềm” khi các vấn đề trên chưa được tường minh…
Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ những tháng đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết, tổng phương tiện thanh toán tính đến giữa tháng 3/2014 tăng 2,96% so với cuối năm 2013; Huy động vốn trước Tết tuy tăng thấp nhưng sau Tết tiền gửi đã quay trở lại hệ thống và đã tăng được 1,92% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, tín dụng toàn hệ thống 3 tháng đầu năm lại giảm 1,05% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VND tính tới cuối tháng 2/2014 giảm 1,94%.
Lý giải điều này bà Hồng cho rằng, tình hình trên phù hợp với quy luật của những năm gần đây, đó là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Điển hình như hai tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88%; hai tháng đầu năm năm 2013, tín dụng giảm 0,23%.
“Trong những tháng tiếp theo của năm 2014, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tình hình lạm phát. Theo đó, tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống cả năm 2014 là 12%-14% và căn cứ tình hình hoạt của thị trường NHNN sẽ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng tổ chức tín dụng (TCTD)”, bà Hồng khẳng định.
Khó bỏ trần lãi suất
“Thị trường tiền tệ rất bình yên”, nhấn mạnh điều này đại diện NHNN cho hay: Với các giải pháp điều hành đồng bộ trong 3 tháng đầu năm 2014, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1/2014 và tăng 1,24% so với cuối năm 2013); Đảm bảo cung ứng tiền qua các kênh một cách linh hoạt. Mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn 1-2 tháng cũng giảm từ 0,2%-0,5%. Lãi suất huy động giảm là dấu hiệu tích cực cho việc cơ cấu lại kỳ hạn vốn và nguồn vốn.
Thanh khoản của hệ thống tuy được đảm bảo nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, trong 2 tháng đầu năm nhiều TCTD đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng. Có TCTD đã giảm lãi suất xuống dưới mức trần huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng là 7%. Như vậy, trần lãi suất dường như đã không còn nhiều ý nghĩa trong việc ngăn chặn xáo trộn về lãi suất.
Tuy nhiên, vẫn giữ quan điểm chưa thể bỏ trần lãi suất trong thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Khi thanh khoản vững chắc, kinh tế vĩ mô ổn định thì NHNN mới tính đến phương án bỏ trần lãi sất huy động. Để tiếp tục các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, ngày 18/3, NHNN quyết định điều chỉnh giảm đồng loạt các mức lãi suất chủ chốt.
Theo đó, trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống còn 6%/năm, thay vì mức 7%/năm như trước đây. Lãi suất tái cấp vốn được hạ xuống mức 6,5%/ năm và mức lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm…
“Lỗi hẹn” phân loại nợ xấu
Khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) về phân loại tài sản của các TCTD chính thức có hiệu lực, các nhà băng sẽ phải chia nợ xấu theo số liệu tổng hợp từ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).
Theo đó, khách hàng cùng lúc có nhiều khoản vay tại các nhà băng khác nhau, nếu bất cứ một món vay nào trong đó xếp vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), thì toàn bộ dư nợ tại những ngân hàng còn lại sẽ tự động chuyển sang nhóm 5. Trong khi theo quy định cũ, những khoản nợ này vẫn tốt và có thể chỉ bị xếp ở nhóm 1 hoặc 2. Như vậy, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng vọt, ngân hàng sẽ mất khách hàng còn doanh nghiệp thì mất cơ hội tiếp cận vốn. Áp lực này đang khiến nhiều ông chủ nhà băng đứng ngồi không yên.
Trấn an những lo ngại trên, bà Hồng cho biết: Thông tư 02 chắc chắn được áp dụng đúng theo như kế hoạch nhưng sẽ có một số chỉnh sửa nhất định. Đó là cho phép các nhà băng hoãn thời điểm áp dụng phân loại theo CIC tới đầu năm 2015. Đây là cách để NHNN giữ cho nợ xấu không tăng lên, làm nghẽn dòng chảy vốn ra thị trường.
Ngoài hoãn phân loại nợ xấu, Thông tư 02 còn có 2 điều chỉnh lớn khác. Thứ nhất là bổ sung quy định trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành được trích lập dự phòng 20%/năm. Thứ hai là bổ sung thêm quy định về xử lý nợ vi phạm. Cụ thể, nếu tổ chức tín dụng có nợ vi phạm theo quy định của pháp luật sẽ xử lý tùy theo đánh giá của Cơ quan thanh tra giám sát. Nếu Thanh tra Giám sát yêu cầu tính vào nợ xấu thì ngân hàng phải phân loại lại nợ, còn lại được xử lý bình thường.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014