Thị trường trái phiếu chính phủ: Bước phát triển ấn tượng về quy mô và độ sâu


Ngày 24/9/2019 là cột mốc quan trọng đối với thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của thị trường. Đến nay, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng thị trường TPCP trên chặng đường sắp tới sẽ còn gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa, phát triển phát triển hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng và khẳng định vị thế, vai trò của định chế tài chính không thể thiếu của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kênh huy động vốn hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước

Trải qua quá trình 10 năm hoạt động, dưới sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan vận hành thị trường gồm Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, sự đóng góp tích cực của các tổ chức phát hành, trong đó có Kho bạc Nhà nước, thành viên thị trường và sự quan tâm của các nhà đầu tư, thị trường TPCP đã có bước phát triển ấn tượng về quy mô và độ sâu, khẳng định vai trò quan trọng là kênh huy động vốn hiệu quả cho Ngân sách Nhà nước, đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

10 năm chưa phải là chặng đường dài song những gì thị trường TPCP đạt được vô cùng ấn tượng trong mắt công chúng đầu tư Việt Nam và quốc tế. Liên tục trong các năm 2013, 2014, 2018, 2019 thị trường TPCP Việt Nam được Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đánh giá là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Đông Á.

Trên thị trường sơ cấp, trong vòng 10 năm, hơn 1,8 triệu tỷ đồng vốn đã được huy động cho Ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Con số này tương ứng với mức huy động bình quân năm đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2018, 31% tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước năm 2018. Để huy động được lượng vốn hơn 1,8 triệu tỷ đồng này, đã có 1.872 phiên đấu thầu được tổ chức với tỷ lệ huy động thành công bình quân đạt 60-70% trên tổng khối lượng gọi thầu.

Qua 10 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn. Trong đó, đặc biệt giảm mạnh tại các kỳ hạn 5 năm (giảm từ 10,49%/năm trong 2009 xuống còn 3,55%/năm trong 2019; kỳ hạn 10 năm (giảm từ mức 9,7%/năm trong 2009 xuống còn 4,35%/năm trong 2019).

Ngược chiều giảm lãi suất, kỳ hạn của các trái phiếu ngày càng tăng. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công các trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lên tới 30 năm. Nhờ sự đa dạng kỳ hạn, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường này và ở góc độ quản lý điều này cũng giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian ngắn và làm tăng hiệu quả cho đầu tư phát triển của toàn xã hội.

Nếu như năm 2009, TPCP phát hành chỉ có 4 kỳ hạn 2, 3, 5 và dài nhất là 10 năm trong đó kỳ hạn 5 năm trở lên chỉ chiếm 15% tổng khối lượng phát hành thì đến 2019 đã có thêm các kỳ hạn dài 15 năm, 20 năm và 30 năm, trong đó kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên đã chiếm đến 90% tổng khối lượng phát hành.

Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu, tiệm cận với các nước có thị trường TPCP phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thanh khoản trái phiếu năm 2019 đạt mức hơn 9 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp gần 24 lần so với năm 2009. Giá trị giao dịch Repos theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quy mô khiêm tốn với tỷ trọng 6,5% trên tổng giá trị giao dịch năm 2009 lên mức 55% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2019.

Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, sản phẩm trái phiếu đa dạng

Với khung khổ pháp lý thị trường ngày càng được hoàn thiện, trong suốt 10 năm qua, thị trường TPCP liên tục được bổ sung các sản phẩm trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Về cơ bản, các sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư đa dạng của thị trường. Trên thị trường sơ cấp, không chỉ có sản phẩm cơ bản là trái phiếu Trả lãi định kỳ, mà còn có các sản phẩm trái phiếu Không trả lãi, trái phiếu có Kỳ trả lãi dài.

Trên thị trường thứ cấp, ngoài hai sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, trước xu thế phát triển mạnh của giao dịch Repos, vào cuối năm 2018, đã có thêm 3 sản phẩm Repos nữa gồm Vay trái phiếu, Bán kết hợp mua lại, Vay để bán được giới thiệu ra thị trường với kỳ vọng thanh khoản của thị trường sẽ ngày càng bứt phá, thu hút thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, song hành với sự phát triển của thị trường, hạ tầng công nghệ phục vụ thị trường như hệ thống đấu thầu, hệ thống giao dịch cũng liên tục được HNX đầu tư, nâng cấp theo hướng bám sát nhu cầu và hỗ trợ tốt cho các hoạt động đa dạng của thị trường trên một nền tảng công nghệ hiện đại. Hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến (E.ABS), hệ thống giao dịch từ xa, hệ thống giao dịch trực tuyến TPCP (E-BTS) trên nền internet đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin và giao dịch ngày càng hiện đại của các thành viên thị trường và nhà đầu tư, giúp họ ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn, tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian giao dịch.

Bên cạnh đó, hệ thống chỉ báo thị trường TPCP cũng được chú trọng phát triển. Khởi đầu với đường cong lợi suất ra mắt tháng 3/2013, tháng 01/2015, bộ chỉ số trái phiếu (Bond indices) với nhiều kỳ hạn khác nhau tiếp tục được đưa vào sử dụng.

Đến nay, 2 hệ thống chỉ báo này đều phát huy vai trò tích cực trong việc định lãi suất tham chiếu và định giá trái phiếu, giúp cho nhà đầu tư và thành viên thị trường thuận lợi hơn trong việc giao dịch trái phiếu trên thị trường. Hai hãng thông tin quốc tế Bloomberg và Reuters đều đã cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve” và “VN Bond Index” cho các nhà đầu tư quốc tế.