Thị trường trái phiếu năm 2012: Hành lang pháp lý vững chắc, huy động được nguồn lực cho phát triển
(Tài chính) Năm 2012, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 5,03% so với năm 2011. Đây là kết quả cách xa với mục tiêu đã đề ra. Trong năm đã có hai lần điều chỉ tiêu tăng trưởng, từ 6-6,5% xuống 5,5%; cách đây một tháng mức tăng trưởng được dự kiến vào khoảng 5,2%. Thực tế này cho thấy sự suy giảm khá sâu của nền kinh tế do nhiều khó khăn trong duy trì sản xuất, khó tiếp cận nguồn vốn hoặc phải vay vốn với lãi suất cao của hầu hết ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, hoạt động của thị trường tài chính tiền tệ trong nước cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, năm 2012 hoạt động của thị trường trái phiếu có nhiều kết quả đáng khích lệ:
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của thị trường trái phiếu được ban hành đầy đủ, đồng bộ, từng bước hướng tới các nguyên tắc hoạt động của thị trường trái phiếu quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường. Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ, đồng bộ các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đó là: Thông tư số 17/2012TT-BTC ngày 8/2/2012 hướng dẫn về phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước; Thông tư số 34/2012/TT-BTC ngày 1/3/2012 hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư số 81/2012/ TT-BTC ngày 22/5/2012 hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Thông tư liên tịch số 106/TTLT/BTC-NHNN ngày 28/6/2012 hướng dẫn về phát hành tín phiếu kho bạc qua NHNN; Thông tư số 211/TT- BTC ngày 5/12/2012 hướng dẫn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định tại các văn bản pháp lý mới ban hành về phát hành trái phiếu, phương thức phát hành đã được thay đổi để phù hợp với thực trạng phát triển của thị trường, nhằm minh bạch hóa hoạt động của thị trường, và từng bước tiếp cận các chuẩn mực của thị trường quốc tế, nhằm giảm rủi ro tái cấp vốn đối với ngân sách Nhà nước và từng bước tạo các trái phiếu chuẩn làm định hướng cho thị trường thông qua phát hành bổ sung, mua lại, hoán đổi trái phiếu. Bên cạnh đó, hoạt động đăng ký, lưu ký trái phiếu cũng đã được rút ngắn, tạo điều kiện để nâng cao thanh khoản của trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Đồng thời, các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được quy định chặt chẽ hơn rất nhiều nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát của tổ chức phát hành và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Có thể nói năm 2012 là năm đánh dấu bước tiến cơ bản trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu bao gồm: trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, việc khuôn khổ pháp lý được ban hành đầy đủ, đồng bộ đã tạo điều kiện cho hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu trong năm 2012 được khởi sắc, tạo tiền đề cho các bước phát triển trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh: về công tác huy động trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Tính đến ngày 17/12/2012, tổng mệnh giá khối lượng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh huy động được là 189.315,15 tỷ đồng, bằng 95,13% tổng kế hoạch huy động cả năm 2012. So với 12 tháng cùng kỳ của năm 2010 và 2011, khối lượng trái phiếu huy động trong năm 2012 đã lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ (bằng 173,6% cùng kỳ 2011 và bằng 206,7% cùng kỳ 2010).
Việc huy động được một khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ trong năm 2012 chủ yếu do tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là khá thấp (11 tháng tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2011), trong khi đó, NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hợp lý để đảm bảo thanh khoản của hệ thống NHTM. Bên cạnh đó, NHNN đã mua khoảng 13 tỷ USD từ các NHTM (bơm khoảng 270.000 tỷ đồng vào hệ thống), trong khi khối lượng phát hành tín phiếu NHNN đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, hiện còn dư nợ chỉ còn khoảng 51.000 tỷ đồng.
Khối lượng phát hánh trái phiếu tăng đã tạo điều kiện rất tốt cho việc điều hành ngân sách của Chính phủ, đảm bảo nguồn chi trả theo kế hoạch được giao đồng thời có nguồn thực hiện chi trả ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà đầu tư chủ yếu là các NHTM nguồn vốn đầu tư dài hạn ít nên kỳ hạn phát hành ngắn chủ yếu là tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn 2, 3 năm.
Về thị trường thứ cấp: Ngoại trừ trong tháng 8 và tháng 9/2012 khi mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng, nhìn chung lãi suất trong năm 2012 có xu hướng giảm. Do vậy, việc đầu tư vào trái phiếu nói chung, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ nói riêng được coi là có hiệu quả kinh tế khá cao. Vì vậy, trong năm 2012, khối lượng giao dịch trái phiếu trên thị trưởng thứ cấp đã tăng mạnh, bình quân cả năm giao dịch khoảng 600 tỷ đồng/ngày.
Về thành viên đấu thầu trái phiếu: ngày 7/12/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 3089/QĐ-BTC ban hành danh sách thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2013. Với việc ban hành danh sách thành viên đấu thầu trái phiếu năm 2013, hoạt động của thị trường trái phiếu sẽ dần tiếp cận với thông lệ quốc tế, tập trung hoạt động thông qua một số thành viên đấu thầu để từng bước chuyên môn hóa hoạt động giao dịch trái phiếu, hình thành hệ thống các tổ chức tạo lập thị trường. Các thành viên đấu thầu có nghĩa vụ cung cấp định hướng cho thị trường trái phiếu, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trái phiếu, và là cầu nối giữa các nhà đầu tư với tổ chức phát hành cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp: Năm 2012 do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, doanh khó vay vốn qua hệ thống ngân hàng thương mại do lãi suất cao và điều kiện vay chặt chẽ nên có nhiều doanh nghiệp quan tâm và tiếp cận với việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trong nước, tổng khối lượng phát hành dự kiến là 27.133,45 tỷ đồng, khối lượng phát hành thực tế là 16.144 tỷ đồng.
Thị trường quốc tế, Công ty CP Vincom và Vietinbank đã phát hành thành công 550 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Năm 2013, theo dự toán NSNN đã được Quốc hội phê duyệt, tổng mức huy động trong và ngoài nước năm 2013 là 227.000 tỷ đồng, gồm 162.000 tỷ đồng cho bù đắp bội chi, 60.000 tỷ đồng cho chương trình đầu tư hàng năm từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và 5.000 tỷ đồng cho dự án đường Quốc lộ 14 và Quốc lộ 1A. Để cân đối nhu cầu vốn này, dự kiến huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng. Ngoài kế hoạch huy động vốn của Chính phủ, 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cần phải huy động khoảng 65.000 - 70.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình tín dụng mục tiêu, trong đó Ngân hàng Phát triển phải huy động khoảng 50.000 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội phải huy động khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu huy động từ phát hành trái phiếu Chính phủ và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh năm 2013 ước khoảng 230.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo khả năng huy động này, điếu kiện tiên quyết là duy trì ổn định các điều kiện vĩ mô như hiện tại, cụ thể (i) Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định, không có biến động mạnh; (ii) Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại được điều hành trong khoảng 10%; và (iii) Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo không thắt chặt thanh khoản. Để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, trong năm 2013 cần thực hiện các nhóm giải pháp sau:
Về chính sách: Chính phủ sớm ban hành khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động của các Tổ chức định mức tín nhiệm để từng bước chuyên nghiệp hóa các hoạt động hỗ trợ của thị trường trái phiếu. Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý đối với việc hình thành và phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để mở rộng cơ sở nhà đầu tư của thị trường trái phiếu, khuyến khích đầu tư kỳ hạn dài để giảm rủi ro tái cấp vốn cho NSNN. Nghiên cứu, xây dựng Đề án thanh toán trái phiếu qua NHNN để giảm thời gian thực hiện các nghiệp vụ thanh toán trái phiếu, giảm rủi ro tín dụng trong các giao dịch trái phiếu. Ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó quy định chi tiết việc huy động vốn của các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra công chúng.
Về điều hành thị trường: Xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phù hợp với nhu cầu vốn và khả năng huy động thực tế của thị trường. Đồng thời, kế hoạch huy động sẽ được công khai theo năm, quý tháng. Lịch biểu phát hành dự kiến được công bố ngay từ đầu năm theo quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BTC.
Triển khai việc phát hành trái phiếu theo hình thức đấu thầu, phát hành bổ sung; tổ chức các đợt hoán đổi trái phiếu để giảm dần mã trái phiếu, xử lý các trái phiếu không có hoặc có ít thanh khoản, và hình thành các mã trái phiếu có dư nợ lớn để tăng thanh khoản và tạo trái phiếu chuẩn; thí điểm tổ chức đấu thầu đa giá đối vởỉ các kỳ hạn phát hành phù hợp; và tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế đối với các kỳ hạn mới, nhu cầu đầu tư chưa nhiều. Từng bước hình thành các tổ chức tạo lập thị trường hỗ trợ cho thanh khoản thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Rà soát chính sách thuế, phí, ngoại hối để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường trái phiếu. Rút ngắn thời gian thực hiện đăng ký, lưu ký, niêm yết trái phiếu từ T+5 xuống T+4.
Từng bước thực hiện tái cấu trúc thị trường trái phiếu: Hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam mà trọng tâm là thị trường trái phiếu Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức cho thị trường trái phiếu: Bên cạnh các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, các nhà đầu tư trong tương lai trên thị trường trái phiếu bao gồm các quỹ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu, các quỹ hưu trí. Nên phát triển các định chế trung gian theo hướng (i) Nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tham gia như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; (ii) Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm tại Việt Nam; (iii) Tăng tính chuyên nghiệp trong họạt động của các tổ chức trung gian để phù hợp với năng lực quản lý và quy mô vốn và thông lệ quốc tế; (ỉv) Xây dựng hệ thống các tiêu chí giám sát, quản lý đối với hoạt động của các công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát; (v) Mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm lưu ký chứng khoán, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đăng ký, lưu ký chứng khoán, thực hiện liên kết với thị trường tiền tệ. Xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp giữa điều hành ngân quỹ và quản lý nợ, đảm bảo thanh khoản cho NSNN với chi phí và rủi ro thấp nhất./.