Thị trường vàng chờ "đại phẫu": Chuyên gia lo ngại rào cản mới
Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025.
Tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của NHNN vào ngày 9/7/2025, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú thông tin, NHNN đang trong quá trình tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số24/2012/NĐ-CP và tiếp tục thực hiện các bước theo trình tự ban hành Nghị định.

Theo các chuyên gia, sau một thời gian dài vận hành thị trường vàng dưới “chiếc áo chật” của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng đã xuất hiện nhiều bất ổn, chưa hợp lý.
Cơ chế độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC và việc độc quyền tổ chức sản xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu không mang tính thị trường, khiến giá trong nước nhiều thời điểm chênh lệch cao với giá vàng thế giới, có khi chênh lệch tới 20 triệu đồng mỗi lượng.
Từ năm 2024, để kéo giảm chênh lệch giá vàng, NHNN đã thực hiện nhiều thay đổi. Nên trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới biến động liên tục và phá vỡ kỷ lục, giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cơ bản được kiểm soát trong biên độ phù hợp, khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024.
Bình quân quý II/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 37,4%.
Nhưng để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, đáp ứng đủ cung - cầu thị trường, thì thị trường vàng cần một cuộc "đại phẫu" về tư duy quản lý.
Đồng tình với những sửa đổi mà NHNN đang dự thảo, nhưng không ít chuyên gia cho rằng, những sửa đổi như vậy là chưa đủ.
Trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng về những bất cập liên quan đến sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, PGS.TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định, dù Dự thảo có điều chỉnh về mặt kỹ thuật như mở rộng đối tượng được phép sản xuất vàng miếng, nhưng còn sự nhập nhằng vai trò quản lý và kinh doanh của Nhà nước, các giấy phép con mang tính xin – cho và thiếu vắng các công cụ thị trường hiện đại.
Với việc dự thảo đưa ra điều kiện “vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng” cho doanh nghiệp muốn sản xuất vàng miếng, vị chuyên gia này cho rằng, trên thực tế cả nước chỉ có 1–2 doanh nghiệp có thể đáp ứng, nên đây cũng không khác hình thức độc quyền.
Cũng về vấn đề này, kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đều nhận định, quy định về vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng là rào cản quá lớn, hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường.
Do vậy, VGTA đã đề xuất giảm mức vốn điều lệ xuống 500 tỷ đồng; đồng thời chú trọng vào năng lực sản xuất, uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào quy mô tài chính.
PGS.TS. Ngô Trí Long cũng chỉ ra, trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động nhanh, việc doanh nghiệp vẫn phải xin phép từng lần nhập – xuất khẩu vàng nguyên liệu là không hợp lý, gây chậm trễ, mất cơ hội giao dịch và làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Hơn nữa, dự thảo vẫn chưa có một quy định cụ thể về phát triển ngành vàng trang sức, chế tác và xuất khẩu – trong khi đây là lĩnh vực tiềm năng rất lớn, có thể thu hút 3,5-4 tỷ USD/năm, tạo hàng chục nghìn việc làm và nâng cao năng lực công nghiệp chế tác trong nước.
Từ những bất cập này, PGS.TS. Ngô Trí Long kiến nghị phải tách bạch vai trò quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh vàng, tránh “vừa đá bóng – vừa thổi còi”.
Đồng thời, cần cấp phép sản xuất vàng miếng cho ít nhất 5–7 doanh nghiệp đủ điều kiện năng lực tài chính – công nghệ, cũng như xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất về vàng miếng, không áp đặt thương hiệu riêng.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần xây dựng Sàn giao dịch vàng vật chất quốc gia, giao dịch tập trung, niêm yết công khai, có kết nối với các sàn vàng quốc tế để nâng cao tính minh bạch, khả năng định giá nội địa.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Việt Nam hiện không có sàn vàng chính thức, trong khi hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra tự phát, không kiểm soát rủi ro. Do vậy, việc thành lập sàn giúp minh bạch hóa giao dịch, tăng độ tin cậy của thị trường, đồng thời hỗ trợ NHNN trong điều tiết cung – cầu.
So sánh quốc tế, theo ông Long, Trung Quốc có Sàn vàng Thượng Hải (SGE), Thái Lan có Sàn vàng TGJMA..., sự vận hành minh bạch của các sàn này góp phần ổn định giá vàng nội địa, giảm chênh lệch với giá quốc tế chỉ còn 1–2%.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng nhìn nhận, để kéo giảm chênh lệch giá vàng thì nguồn cung vàng trong nước phải dồi dào và ổn định, thông qua nhập khẩu chính ngạch và đa dạng nhà sản xuất. Hơn nữa, thị trường vàng trong nước phải “liên thông” với thế giới, như thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, tăng cường công khai dữ liệu, giá cả và giao dịch.