Thị trường Việt hấp dẫn nhiều ông lớn bán lẻ Nhật
Ngay cả trong mùa dịch COVID-19, các nhà đầu tư Nhật vẫn đổ vốn vào Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đã thu hút hầu hết tên tuổi bán lẻ đình đám đến từ Nhật. Đáng chú ý, dù hiện đang gặp nhiều thách thức từ dịch bệnh COVID-19 nhưng các nhà đầu tư Nhật vẫn đổ vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh tại nước ta.
Động thái mới của các ông lớn
Thâm nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm ngoái, chỉ với một cửa hàng nằm trên con đường sầm uất bậc nhất của TP. Hồ Chí Minh là Nguyễn Huệ nhưng nhà bán lẻ thời trang danh tiếng Uniqlo của Nhật đã đi rất nhanh trong việc triển khai hàng loạt chuỗi cửa hàng.
Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, Uniqlo đã phải đóng cửa theo lệnh giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lan truyền dịch bệnh COVID-19. Điều này đồng nghĩa cửa hàng đầu tiên mới vận hành với chi phí thuê mặt bằng vào loại đắt đỏ không thể tạo ra dòng tiền.
Tuy nhiên, dịch bệnh không khiến các kế hoạch mở rộng quy mô chuỗi của đại gia Uniqlo dừng lại. Ngay trong thời điểm dịch bệnh, hãng thời trang này liên tục khai trương các cửa hàng và đến tháng 6 đã vươn đến con số bốn cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại lớn ở TP. Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội.
Thực tế, chiến lược của Uniqlo đã được xác lập rõ ràng từ trước và hiện thực hóa các kế hoạch đặt ra bất chấp dịch bệnh. “Việt Nam là một vùng đất hứa của trung tâm sản xuất và bán hàng, tạo động lực tăng trưởng cho Uniqlo tại khu vực Đông Nam Á” - nhà sáng lập thương hiệu Uniqlo và là ông chủ giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai đánh giá.
Từ khi vận hành siêu thị tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay AEON đã có trong tay năm đại siêu thị ở các thành phố lớn với vốn đầu tư đổ vào lên đến hơn 700 triệu USD. Hiện nay, đại siêu thị này đang khởi động chiến dịch mở rộng quy mô chuỗi tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dù dịch COVID-19 vẫn còn khá phức tạp nhưng AEON đã lên kế hoạch mở khu phức hợp thương mại thứ sáu tại Hải Phòng vào cuối năm nay với vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD. Đến năm 2022, AEON thứ bảy dự kiến sẽ đặt tại quận Hoàng Mai, Hà Nội với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.
Lãnh đạo AEON Việt Nam khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại nước ta. Đồng thời sẵn sàng làm bệ đỡ cho hàng Việt xuất khẩu ra thế giới. Bằng chứng là riêng năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống AEON đạt khoảng 381 triệu USD.
Không chỉ hai đại gia trên mà đến thời điểm này, hàng loạt nhà bán lẻ khác của Nhật cũng có tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Ví dụ Muji, thương hiệu bán lẻ Nhật vừa gia nhập vào thị trường nước ta. Dù đi sau các thương hiệu bán lẻ Nhật khác nhưng nhà bán lẻ này vẫn nhìn thấy thị trường Việt nhiều dư địa phát triển. Ban lãnh đạo Muji khẳng định xem Việt Nam là một thị trường lớn tại khu vực Đông nam Á, có mức tăng trưởng GDP cao.
Tương tự, các thương hiệu bán lẻ khác như Ministop, 7-Eleven, FamilyMart… vẫn tiếp tục các kế hoạch đầu tư dài hạn, tiếp tục mở rộng chuỗi tại nước ta.
Mang đến trải nghiệm khác biệt
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nhìn nhận mức tiêu dùng ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã hấp dẫn các nhà bán lẻ Nhật đầu tư tìm kiếm cơ hội tại đây. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ dòng vốn đầu tư từ Nhật không chỉ đến từ lĩnh vực sản xuất mà còn là dịch vụ, điển hình nhất là các nhà bán lẻ khổng lồ như AEON và Uniqlo.
“Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh với khả năng sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm có chất lượng. Đây là lý do nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Nhật ngày càng muốn tham gia đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam” - ông nói.
Giới phân tích kinh tế nhìn nhận các nhà đầu tư xứ hoa anh đào vốn kiên định với các mục tiêu đặt ra và dù gặp khó khăn họ vẫn cố gắng vượt khó để thực hiện mục tiêu đó chứ không bỏ cuộc. Mặt khác, thị trường Nhật đã mất đi sự tăng trưởng do dân số già hóa, trong khi Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển với dân số đông, có mức thu nhập ngày càng tốt.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, trong bảy tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chờ giải thể là nhiều nhất. Cụ thể, trong thời gian trên cả nước có đến hơn 8.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chờ giải thể, chiếm 37,2%.
Một minh chứng rất rõ là nhà bán lẻ Nhật Takashimaya thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng trung tâm thương mại cùng tên đặt tại TP. Hồ Chí Minh với số vốn đầu tư 22 triệu USD và kỳ vọng sẽ có lợi nhuận vào năm 2022. Nhưng đến tháng 2-2020, Takashimaya đã công bố lãi năm tài chính 2019 đạt gần 1 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, để cạnh tranh, các nhà bán lẻ Nhật liên tục tung ra những mô hình mới, sáng tạo để thu hút người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, tận dụng chất lượng thương hiệu Nhật, các nhà bán lẻ này ưu tiên đem lại những giá trị dịch vụ và sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật nhưng được địa phương hóa phù hợp với thị hiếu Việt Nam.
Đáng chú ý, các nhà bán lẻ Nhật ngay lập tức đưa vào các bí quyết, kinh nghiệm, những điểm mạnh đã vận hành từ lâu trên thị trường Nhật sang áp dụng ngay vào Việt Nam. Điều này sẽ đáp ứng lập tức nhu cầu cho cả những khách hàng khó tính nhất, cũng như tạo ra trải nghiệm mua sắm mới hấp dẫn. Nhưng họ cũng biết để thành công phải linh hoạt và khác biệt hóa nên các mô hình bán lẻ đậm chất Nhật cũng thay đổi liên tục để có thể đáp ứng được xu hướng và thực tế thị trường tại từng thời điểm khác nhau.
“Để giành được thị phần, thành công trên thị trường bán lẻ cạnh tranh đầy khốc liệt của Việt Nam đòi hỏi doanh nghiệp luôn tìm kiếm những giá trị mới từ cách bài trí, kiến trúc cho đến các triết lý mới cho sản phẩm và dịch vụ. Từ đó đem lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng” - ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết.
“Vũ khí” sắc bén vượt khó
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không khó để lý giải chuyện các nhà đầu tư Nhật vẫn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh. Đó là họ có chiến lược giá hợp lý kết hợp với chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao. Đây là vũ khí sắc bén trong cạnh tranh nên có sự tăng trưởng tốt. Mặt khác, việc định giá hàng hóa hợp lý đã giúp các thương hiệu bán lẻ Nhật tương đối miễn dịch với suy thoái kinh tế vì dịch bệnh.
“Chu kỳ kinh tế và xu hướng mua sắm tiêu dùng không có tác động qua lại nhiều nếu như các nhà bán lẻ cung cấp nhu cầu thực sự cần thiết cho khách hàng” - ông Hiếu nhận định.