Thích ứng xu hướng bán hàng mới
Câu chuyện phá sản của hãng thời trang giá rẻ Forever 21 của Mỹ có thể là một bài học để các doanh nghiệp Việt lưu tâm và cần có những thay đổi phù hợp trước các xu hướng bán hàng mới nếu muốn trụ vững.
Mới đây, hãng thời trang giá rẻ Forever 21 của Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sẽ đóng cửa một số cửa hàng trong chuỗi hơn 800 cửa hàng trên toàn cầu. Một trong những nguyên nhân của chuyện phá sản này là vì vòng đời các xu hướng thời trang ngắn lại và người tiêu dùng trẻ đang có xu hướng chuyển từ mua sắm tại trung tâm thương mại sang mua hàng trực tuyến (online).
Rủi ro chực chờ
Liên hệ tại thị trường Việt, mặc dù chưa mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam nhưng thương hiệu Forever 21 được cho là khá quen thuộc với giới trẻ thông qua kênh mua sắm trực tuyến.
Trong khi đó, dữ liệu từ Coresight Research cho thấy nếu tính từ năm 2018 cho đến nay, các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 13.700 cửa hàng. Nguyên do là vì các hãng bán lẻ tốn kém nhiều chi phí để đặt gian hàng tại các trung tâm thương mại (vốn ngày càng thưa thớt khách) trong khi chịu áp lực cạnh tranh với các thương hiệu bán hàng trực tuyến.
Quan sát chuyện này, chị Thái Thị Liên (từng là chủ cửa hàng quần áo thời trang ở Bình Dương) cho rằng việc đóng cửa cửa hàng bán lẻ thời trang như Forerver 21 là chuyện sớm muộn khi mà khách hàng trẻ ngày càng chuyển sang mua sắm online, trong khi chi phí thuê, duy trì nâng cấp cửa hàng rất đắt đỏ, còn thêm tiền lương cho nhân viên đứng bán ở cửa hàng.
“Bản thân cửa hàng quần áo dành cho tuổi teen của tôi ở Bình Dương cũng phải đóng cửa từ cách đây 3 tháng khi sức mua chậm, giá thuê mặt bằng cao và khó cạnh tranh nổi trước nhiều cách thức bán hàng mới mà mình chưa cập nhật kịp. Tôi đang chuyển sang xu hướng kinh doanh quần áo online”, chị Liên chia sẻ.
Có thể thấy, chuyện phá sản của các hãng bán lẻ ở Mỹ là điều mà các doanh nghiệp (DN) Việt cần suy ngẫm về xu hướng tiêu dùng, xây dựng kênh phân phối và phương thức bán hàng mới hiện nay với rủi ro chực chờ từ thị trường tiêu dùng Việt vốn không ít biến động.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Trang, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Innovative Hub, khách hàng ngày càng có những nhu cầu trải nghiệm mua sắm hàng hóa thú vị hơn, nên các DN cần nghĩ đến nhiều cách để tiếp cận họ.
Chẳng hạn như việc mua sắm quần áo thời trang của phụ nữ. Trên các trang thương mại điện tử hoặc Facebook, dù thấy các mặt hàng trên đó nhưng họ không đủ tự tin để ra quyết định mua hàng trực tuyến (online). Vì vậy, họ phải cần ra một cửa hàng hoặc showroom để có những trải nghiệm ngoại tuyến (offline) thực sự về sản phẩm.
Bởi vì cách người mua tiếp cận là như vậy, là nhu cầu để có trải nghiệm mua hàng thú vị hơn, cho nên các DN nội địa cần lưu tâm về mô hình phân phối từ online đến offline.
Giới chuyên gia nhận định với sự phát triển của công nghệ, các cửa hàng truyền thống của DN hoàn toàn có khả năng thu thập những dữ liệu của người mua vào cửa hàng và chuyển ngược lại thông tin cho kênh online. Từ đó, DN có thể thiết kế các kênh thông tin nhằm giúp khách hàng mua hàng tốt hơn.
Thay đổi để tồn tại
Có thể tham khảo cách thức bán hàng tại một số trung tâm mua sắm hiện đại ở Tp.HCM, nếu theo mô hình bán lẻ (Retail) truyền thống thì mọi thứ sẽ diễn ra theo cách truyền thống, khách hàng sẽ phải xếp hàng ở những cửa hàng có đông khách.
Tuy nhiên, với “new retail” (mô hình bán lẻ mới), khách hàng sẽ mua sắm qua ứng dụng App trên điện thoại, cho phép quét (scan) mã code sản phẩm nhằm tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm, đọc thông tin về xuất xứ nguồn gốc... trước khi quyết định mua hàng.
“Sau khi quyết định mua trên App thì người mua hoàn toàn có thể đến các quầy kiểm soát (check out) tự động của cửa hàng để check out, thậm chí cửa hàng còn có những công cụ thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt..., chứ không có cảnh xếp hàng dài như mô hình truyền thống”, Giám đốc phát triển kinh doanh của Innovative Hub chia sẻ.
Thậm chí, nếu đi theo xu hướng công nghệ thì ngay như các tiệm tạp hóa truyền thống ở trong nước cũng có thể áp dụng hiệu quả. Đó là người bán hàng sẽ thanh toán qua mã code, hoặc có khả năng thu thập những dữ liệu người mua tại tiệm của mình để chuyển ngược lại qua kênh online nhằm thiết kế những trải nghiệm mua hàng tốt hơn.
Còn dưới góc nhìn “trải nghiệm khách hàng” của ông Dương Nguyễn, nhà sáng lập Cempartner, điều quan trọng mà các DN nội địa nên làm là cần có văn hóa hướng đến khách hàng, trong khi đây lại là mặt thiếu của DN.
Văn hóa hướng đến khách hàng cần được hiểu là làm sao để cho khách hàng cảm nhận được DN từ A - Z, yếu tố cạnh tranh khác biệt trong thời đại số ngày nay. Khi đó, trải nghiệm khách hàng sẽ giúp DN Việt tạo nên sự khác biệt. Và chính sự lựa chọn của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất thể hiện sức cạnh tranh của DN nội địa trên thị trường.
Cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều DN Việt hiện nay chưa thể tự tin về kênh phân phối bán hàng của mình, do chưa có một kênh phân phối mạnh và hữu hiệu. Trong khi đó, xu hướng trải nghiệm của khách hàng ngày càng thay đổi mạnh mẽ. Cho nên, từ câu chuyện phá sản của Forever 21 đòi hỏi DN Việt nhìn lại cách thức bán hàng và kênh phân phối của mình để có những bước thay đổi phù hợp hơn với xu hướng mới.