Thỏa hiệp tài chính trong đời sống vợ chồng
(Tài chính) Chi tiêu là vấn đề hàng đầu mà nhiều gia đình cần tìm giải pháp đối phó. Không riêng gì những gia đình túng thiếu mà cả những gia đình phong lưu cũng không tránh khỏi những va chạm về tiền bạc.
Gia đình có thể hạnh phúc hơn nếu các thành viên biết thỏa hiệp với nhau trong vấn đề sử dụng tiền bạc. Các nhà Tâm lý học đã phân chia cá tính con người trong vấn đề chi tiêu ra thành bốn nhóm: (1) Những người có thói tiêu xài rộng rãi, (2) Những người luôn tránh né việc chi tiêu, (3) Những người thích gom góp, chắt chiu tiền bạc và (4) Những người luôn băn khoăn lo nghĩ về tiền bạc. Sau đây là mọt số hướng giải quyết có thể giúp ngăn ngừa những tình huống khó xử về chi tiêu trong đời sống vợ chồng.
Mỗi người một khoảng tiền riêng
Một số vợ chồng chọn cách giải quyết vấn đề tiền bạc theo cách không nhập chung. Điều này rất có lợi nếu một trong hai người đều có con cái hoặc tài sản riêng.
Tuy nhiên, hai người cần đóng góp chi tiêu cho những khoản chung trong gia đình. Ngoài ra, cả hai cùng phải biết vượt qua những cơn sóng gió khi một trong hai người bị giảm bớt hoặc bớt nguồn thu nhập.
Trường hợp này, việc chỉ trích chỉ làm cho người vợ hoặc (chồng) xuống tinh thần chứ không thể giảm bớt được hoàn cảnh khó khăn. Cách đối phó sáng suốt là nhẫn lại, động viên khuyến khích người vợ hoặc (chồng) làm cho tinh thần đôi bên bớt căng thẳng.
Chọn thời điểm để nói chuyện tiền
Những cuộc bàn luận về tài chính sẽ trở nên chua chát khi những cuộc chỉ trích cá nhân xảy ra. Thay vì chì chiết, cả hai người cần chuẩn bị tiếp cận vấn đề trên nguyên tắc từ xa tới gần một cách từ từ. Thông qua thời gian trò chuyện, bàn thảo và xem xét các vấn đề có liên quan.
Sổ sách chi tiêu cũng là một cách lý giải bài toán kinh tế nhằm ngăn ngừa những mâu thuẫn khi đã có những vấn đề lấn cấn, tồn đọng. Một số cặp vợ chồng còn chọn giải pháp email cho nhau, để bày tỏ mối lưu tâm, tạo một tiền đề trước khi chất vấn nhau về vấn đề tiền bạc.
Lập danh sách cho những kế hoạch
Đa phần những cuộc cãi vã về tiền bạc thường bị kích thích bởi những quan điểm khác nhau về cách thức chi tiêu. Hãy thiết lập mô hình thống nhất bằng cách lên danh sách cho những chi tiêu trong tương lai.
Kế đến, cần cân nhắc thực trạng chi tiêu hàng tháng và những khoản tiêu vượt ngoài mức cho phép.
Cân nhắc các mức thưởng cho bản thân
Đa số những người thâm lạm ngân sách gia đình thường có suy nghĩ rằng, họ xứng đáng được tiêu pha vì đã bị căng thẳng quá nhiều trong cuộc sống bươn chải hàng ngày.
Những món chi tiêu vượt quá ngân sách cần được vợ chồng bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định và được cân nhắc thận trọng.
Tránh xung đột có thể xảy ra
Phải cùng bàn luận về những khoản chi tiêu lớn một cách cụ thể, cởi mở, vì sự im lặng vô tình đưa đến những điều không vui bất chợt. Dù hai người có trương mục riêng và góp tiền chi tiêu thì việc chuyên lo quản lý chi tiêu trong gia đình phải do một người đảm đang.
Ngay cả khi chưa bị thúc bách về vấn đề tiền bạc, cả hai vợ chồng cùng nên thường xuyên bàn bạc về mục đích, chương trình sử dụng tiền bạc để giữ được tâm lý bình tĩnh và sáng suốt.