Thỏa thuận “hạ nhiệt”
Argentina và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ liên quan đến gói tín dụng dự phòng lớn nhất trong lịch sử tổ chức này để giúp đồng peso ngừng lao dốc, cũng như hỗ trợ kế hoạch giảm thâm hụt tài chính của Chính phủ Tổng thống Mauricio Macri.
Tuy nhiên, thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD nói trên vẫn cần được Hội đồng điều hành IMF thông qua trong một cuộc họp biểu quyết sẽ diễn ra vài ngày tới tại Washington.
Cách đây 4 tuần, ông Marci phải tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF sau khi giá trị đồng peso trượt dốc 20% so với đồng USD, đe dọa khả năng trả nợ của Argentina trong khi phần lớn các khoản nợ của nước này được tính bằng đồng bạc xanh. Hiện Argentina tiêu quá mức thu và nhập siêu, gây ra tình trạng thiếu hụt tài chính và tài khoản vãng lai khiến đất nước dễ bị tổn thương trước những biến động tiền tệ của mình. Argentina đã buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%, cũng như bán hơn 10 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối.
Vì vậy, Giám đốc IMF Christine Lagarde trong một tuyên bố tại Washington đã hoan nghênh chính quyền Argentina ưu tiên dùng khoản tiền của IMF vào kế hoạch tái cân bằng hệ thống tài chính, khôi phục thặng dư vào năm 2020. Theo thỏa thuận, gói tín dụng có giá trị trong 36 tháng và Argentina sẽ phải thanh toán 8 lần trong 3 năm. Lãi suất sẽ phụ thuộc vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, cũng như khoản tiền mà Argentina sẽ sử dụng.
Quyết định “cầu cứu” IMF của Tổng thống Mauricio Macri đã làm sống lại ác mộng đối với nhiều người Argentina, vốn coi chính sách của tổ chức tài chính này là tội đồ gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử tại Argentina năm 2001. Mặc dù vậy, ông Macri vẫn bảo vệ quyết định của mình là để tránh một vụ nổ kinh tế khác, bất chấp nó có thể ảnh hưởng đến kết quả ủng hộ ông trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm tới.
Gói tín dụng dành cho Argentina được theo dõi chặt chẽ vì một số thị trường mới nổi khác cũng phải đối mặt với tình trạng đồng nội tệ giảm sâu trong năm nay. Chẳng hạn đồng tiền lao dốc mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đang khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ lây lan giữa các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, phát ngôn viên IMF Gerry Rice gần đây đã trấn an rằng “chưa thấy tác động tiêu cực đối với các nước khác tại thời điểm này”.