Thoái vốn ngoài ngành: Hết cửa lùi
(Tài chính) Hạn cuối cho lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được ấn định vào năm 2015. Chặng đường không còn dài, trong khi tiến độ thoái vốn vẫn ì ạch. Lực đẩy nào để tiến độ này cán đích đúng hẹn vẫn là vấn đề đặt ra…
Chậm trễ và vướng mắc
Phải khẳng định rằng, thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải là câu chuyện mới, đã được đặt ra từ vài năm trước, nhưng chỉ thực sự nóng hơn khi hạn cuối để kết thúc câu chuyện sắp đến.
Ngay từ năm 2011, lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua việc phê duyệt các đề án tái cơ cấu, thoái vốn và các văn bản hướng dẫn… Theo đó, đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, với số vốn phải thoái là 21.797 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện tiến độ thoái vốn vẫn còn chậm trễ, kết quả chưa như mong đợi, đến hết năm 2013 mới thoái được khoảng 4,16 nghìn tỷ đồng, bằng 19% số vốn phải thoái. Đặc biệt, trong số vốn được thoái, phần bán ra ngoài chỉ đạt khoảng trên 200 tỷ, còn lại vẫn là bán trong nội bộ các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước. Như vậy, công việc còn lại từ nay đến hết hết năm 2015 là phải thoái hết 81% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tương đương hơn 17.655 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trên được lý giải là do cả chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan từ phía những cơ quan, cá nhân, tồn tại bất cập về chính sách, giữa ý chí chủ quan của chủ sở hữu và khách quan là do khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường chứng khoán suy giảm. Đặc biệt, những quy định thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn khắt khe khi thoái vốn không được dưới mệnh giá. Quy định này, mục đích được đặt trên hết là bảo toàn vốn nhà nước.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, càng để lâu sẽ càng lỗ lớn, thất thoát lớn. Do vậy, việc thoái vốn nhanh sẽ giúp lấy một phần tiền để bù lại những khoản chi âm, giảm nợ công; đồng thời, có thể giúp giảm lỗ và tăng nguồn tiền mà Chính phủ có thể điều chỉnh cho ngân sách, thay vì phải phát hành trái phiếu hoặc vay nợ.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở nguồn vốn đầu tư vào dự án bị thua lỗ mà ngay cả các dự án làm ăn có hiệu quả và những dự án đang trong giai đoạn chưa hoàn thành cùng khó thu hồi vốn.
Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Cao su Việt Nam: Tập đoàn này có một số dự án đang rất hiệu quả lại nằm trong diện phải thoái vốn, nhưng lại chưa hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ bản nên chưa bán được. Hoặc trong quá trình thoái vốn, các DN ngoài những khó khăn tìm đối tác còn gặp lực cản do dự án hoặc DN đó đang tồn tại tình trạng sở hữu chéo. Với những dự án đang làm ăn hiệu quả còn khó thoái vốn thì với những khoản đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả sẽ thoái vốn ra sao trong bối cảnh thị trường ảm đạm suốt hơn 2 năm qua… là những khó khăn đặt ra.
Tư duy cần thay đổi
Theo TS. Nguyễn Đình Cung – quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ường (CIEM): Thoái vốn thực chất là phân bổ lại nguồn lực theo cơ chế thị trường trên phạm vi toàn quốc và nền kinh tế, nhằm chuyển những nguồn lực của Nhà nước hiện đang nằm “chết” ở đâu đó, hoặc sử dụng không hiệu quả sang những lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, được quản lý hiệu quả. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải là thay đổi nguồn lực theo hướng chuyển vốn từ DNNN này sang DNNN khác, không phải là sự sắp xếp lại… Trên thực tế, việc thoái vốn đang làm hiện nay có vẻ như là thoái vốn để cắt lỗ, nghĩa là những khoản đầu tư ngoài ngành nào chưa lỗ thì chưa bán, thậm chí ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước. Thậm chí, ngay chuyện cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được với giá cao.
Thời gian cuối cùng cho hoàn tất việc thoái vốn của các DN đầu tư ngoài ngành đã được ấn định cụ thể và không có ngoại lệ cho quy định này. Biết là vậy nhưng vì kết quả báo cáo lãi từ các khoản đầu tư ngoài ngành nên nhiều tập đoàn, tổng công ty đến nay vẫn chưa quyết tâm vào cuộc, vẫn tiếp tục xin giữ đầu tư ngoài ngành.
Điển hình như với Tập đoàn Petrolimex viện dẫn: Thoái vốn tại một số DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của DN đó và gián tiếp ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, đời sống của người lao động, tạo áp lực lên các vấn đề kinh tế xã hội khác. Do vậy, đại diện lãnh đạo Tập đoàn này đề nghị một số khoản thoái vốn nên chậm lại. Hoặc với Tập đoàn Công nghiệp cao su thì đề nghị kéo dài thời gian thoái vốn tại các công ty mà nơi này góp vốn đến sau năm 2015 với lý do DN chưa hoạt động ổn định, thời gian qua gặp khó khăn nên khó xây dựng phương án thoái vốn; Ngân hàng BIDV đề xuất: Trước khi giao phần vốn phải thoái về SCIC cần có lộ trình thoái vốn phù hợp hoặc giãn tiến độ (có thể tối đa năm 2017) với từng khoản đầu tư.
Rõ ràng, tư duy và quyết tâm của lãnh đạo các DNNN có vai trò rất quan trọng trong việc thoái vốn ngoài ngành, quyết định đến việc có thực hiện thành công việc thoái vốn hay không. Nguồn vốn nhà nước đổ vào các dự án ngoài ngành đã bị sa lầy từ nhiều năm nay, đã đến lúc, dù lãi hay lỗ, Chính phủ cũng không thể chiều các tập đoàn, tổng công ty bằng bước lùi một lần nữa.
Không thể trì hoãn
Trước thực trạng trên, ngày 6/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Động thái này được xem là đã “mở rộng thêm” cánh cửa đối với các DNNN hiện đang mắc kẹt với đầu tư ngoài ngành. Theo đó, giải quyết vướng mắc lớn nhất bấy lâu nay của DNNN là vấn đề không được phép thoái vốn dưới mệnh giá.
Không chỉ làm rõ về lộ trình thoái vốn, với Nghị quyết 15/2014/NQ-CP ra đời, các cách thức để thoái vốn cũng được Chính phủ quy định rõ hơn. Đơn cử, riêng với phần vốn ngoài ngành của DNNN tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng hiện nay sẽ có tới 4 cách thức để “thoái” như: Một là, DNNN có thể tự tìm cách bán phần vốn ấy, thậm chí dưới mệnh giá; Hai là, ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mua lại; Ba là, chuyển sang cho NHNN làm đại diện chủ sở hữu; Bốn là, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua lại.
Như vậy, cánh cửa thoái vốn ngoài ngành của các DNNN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được mở rộng. Ngoài ra, Chính phủ cũng giao SCIC xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các DNNN sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết 15/2014/NQ-CP mà thoái vốn không thành công…
Như vậy, một trong những lo ngại và cũng là lý do lâu nay mà DNNN luôn tìm cách hoãn không muốn thoái vốn ngoài ngành do giá trị tài sản đã đầu tư hiện nay thấp hơn giá trị sổ sách và mệnh giá đã được giải quyết. Việc cán đích đúng yêu cầu đề ra hay không là ở sự quyết tâm vào cuộc từ chính các DN và các cơ quan chủ quản.
Cũng xin nhắc lại, Thủ tướng Chính phủ đã không dưới một lần nhấn mạnh: “kiên quyết thay lãnh đạo DN chậm thực hiện tái cơ cấu…” và “không làm được thì mời lãnh đạo DN thôi việc”. Quyết tâm chính trị này chắc chắn sẽ tác động đến tư duy lãnh đạo nhiều DN…
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 – 2014