Thời hoàng kim của smartphone Apple đang xuống dốc?


Doanh thu của Apple đã giảm quý thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh smartphone đang tiến nhanh đến ngưỡng bảo hòa!

Doanh thu Apple giảm sút quý thứ 4 liên tiếp
Doanh thu Apple giảm sút quý thứ 4 liên tiếp

Sau khi ra mắt Iphone 15, doanh thu của Apple đánh dấu mức sụt giảm quý thứ 4 liên tiếp - khoảng 1% so với một năm trước, xuống còn 89,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên gã khổng lồ công nghệ Mỹ trải qua giai đoạn căng thẳng như vậy kể từ trước khi iPhone ra mắt vào năm 2007.

Các hoạt động kinh doanh Macbook, iPad và Wearables của Apple tiếp tục yếu kém. Chẳng hạn như doanh thu của Macbook so với cùng kỳ năm trước đã giảm gần 34%; hoạt động kinh doanh iPad và thiết bị đeo của Apple đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm sáng của công ty trong mùa nghỉ lễ này sẽ là hoạt động kinh doanh dịch vụ, bao gồm bán hàng trên App Store, lưu trữ đám mây trực tuyến, bảo hành AppleCare, các thỏa thuận quảng cáo và cấp phép với Google và các đăng ký như Apple Music.

Trong đó, điện thoại thông minh Iphone mới là “hòn đá tảng” của “táo khuyết”, dòng sản phẩm này đã đem về danh tiếng, sự thịnh vượng cho Apple trong hơn 1 thập kỷ rưỡi.

Vấn đề không đến từ cách quản trị của đội ngũ lãnh đạo cấp cao mà đến từ thị trường thiết bị thông minh gần tới ngưỡng bảo hòa - ứng với quy luật “không gì là mãi mãi”, như đã từng xảy ra với Nokia, SonyEricson,…

Một thập kỷ trước, mảng smartphone chiếm trung bình 2/3 doanh thu của Apple thì hiện nay chỉ còn khoảng 48%. Đơn cử năm 2015 doanh số bán Iphone lên tới 155 tỷ USD, gần gấp đôi tất cả các hoạt động kinh doanh khác của Apple cộng lại.

Sau 15 năm mở rộng, thị trường smartphone toàn cầu đã chững lại. Công ty dữ liệu IDC dự báo, thị trường này sẽ không tăng trưởng trong bốn năm tới. Theo Kantar, một công ty nghiên cứu, mặc dù ở Mỹ, IPhone chiếm gần một nửa doanh số bán điện thoại thông minh, nhưng ở châu Âu, IPhone chỉ chiếm hơn 1/4. Mặc dù iPhone vẫn còn cơ hội tăng trưởng, nhưng tốc độ “phi mã” không thể tái lập.

Smartphone là sản phẩm thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới, hơn 4 tỷ người trong số 5,4 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu sở hữu ít nhất 1 sản phẩm. Vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn nhưng chu kỳ thay thế của người dùng kéo dài.

Ví dụ, cho dù Iphone đã ra đến thế hệ thứ 15, nhưng “đàn anh” của nó là các dòng máy thế hệ thứ 7 đến 11 vẫn còn rất thịnh hành - với mức giá đã khấu hao và tái phân phối nhiều lần nhưng không hề rẻ so với thu nhập tại các quốc gia đang phát triển.

Thêm nữa, các tiện ích “cứng” của Smartphone không còn hấp dẫn khách hàng. Cách giới thiệu sảm phẩm mới nhấn mạnh độ phân giải camera, dung lượng bộ nhớ, cấu hình, chip, hệ điều hành,… không còn tác dụng.

Smartphone ngày càng đóng vai trò trong việc đổi mới ở các lĩnh vực khác - dường như không mấy liên quan, như thanh toán trực tuyến, cập nhật thông tin, giải trí, tích hợp Internet vạn vật (IoT),…

Như vậy, sự chú ý không còn đổ dồn vào khối kim loại mà người dùng cầm trên tay, thay vào đó nó giải quyết các câu hỏi: Tôi có thể làm gì với smartphone? Sử dụng ứng dụng gì, nền tảng nào cho công việc và cuộc sống?

Theo Trương Khắc Hà/Diendandoanhnghiep.vn