Thông tư 29 hướng dẫn mới về thương lượng lao động tập thể
Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 15/9/2015, hướng dẫn thực hiện một số quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính Phủ.
Thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xác lập điều kiện lao động mới; giải quyết các vướng mắc trong quan hệ lao động. Theo Thông tư 29, thương lượng tập thể định kỳ được quy định:
- Ít nhất một năm một lần, khoảng cách giữa hai lần thương lượng tập thể định kỳ liền kề tối đa không quá 12 tháng;
- Đại diện của hai bên thỏa thuận về số lần, thời gian tiến hành thương lượng tập thể định kỳ hàng năm và thống nhấtbằng văn bản có chữ ký các bên;
- Nội dung về nguyên tắc, quyền yêu cầu, đại diện, nội dung, quy trình thương lượng tập thể thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Thỏa ước lao động tập thể
Trong vòng 15 ngày, kể từ ngày thỏa ước được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thỏa ước sẽ được các cơ quan này rà soát lại về mặt nội dung. Trường hợp có nội dung trái pháp luật, ký kết không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy trình sẽ xử lý như sau:
- Đối với thỏa ước chưa có hiệu lực thi hành, các bên ký kết thỏa ước sẽ nhận được văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thỏa ước và gửi lại bản thỏa ước lao động tập thể đã được các bên thương lượng, sửa đổi, bổ sung đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
- Đối với thỏa ước đã có hiệu lực thi hành, Tòa án nhân dân sẽ tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý lao động. Các bên sẽ nhận được thông báo về việc này.
Trường hợp thỏa ước bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong thỏa ước sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật và các thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng lao động.
Giải quyết tranh chấp lao động
Thông tư 29 cũng hướng dẫn về thương lượng bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp, theo đó người sử dụng lao động gửi văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại đến tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu tổ chức công đoàn không đồng ý với một trong các nội dung yêu cầu thì sẽ gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức thương lượng bồi thường thiệt hại.
Thời gian, địa điểm, thành phần tham gia phiên họp thương lượng sẽ do người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công thoả thuận.
Phiên họp thương lượng, bồi thường thiệt hại phải được lập biên bản, có chữ ký của các bên và của người ghi biên bản. Biên bản là cơ sở pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường thiệt hại.
Trường hợp không thống nhất được nội dung thương lượng thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.