Thông tư số 14/2021/TT-NHNN: Ngân hàng có được hưởng lợi?
Thông tư số 01/2020/TT-NHNN hỗ trợ tích cực cho cả phía khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN chỉ hướng đến đối tượng khách hàng vay ngân hàng.
Ngân hàng không phải đối tượng được hỗ trợ
Một trong những thay đổi đáng chú ý của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN là phạm vi của những khoản nợ có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được mở rộng tới trước ngày 1/8/2021, thay vì trước ngày 10/6/2020. Đồng thời, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022, thay vì từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 như quy định tại Thông tư số 03. Thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được kéo dài đến ngày 30/6/2022 thay vì thời điểm 31/12/2021 như quy định trước đó.
Ngân hàng sẽ có lợi thế giảm bớt được tỷ lệ nợ xấu đến từ các nhóm khó đòi của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại cho đến khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Nợ xấu của các nhóm được tạm giữ nguyên thay vì có nguy cơ “nhảy nhóm”.
Điểm đáng chú ý ở đây là, mặc dù thời gian giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm phí cho khách hàng được kéo dài thêm 6 tháng, nhưng Thông tư số 14/2021/TT-NHNN không điều chỉnh tiến độ trích lập dự phòng. Ngân hàng tiếp tục thực hiện trích lập bổ sung theo tiến độ cũ, tối thiểu là 30%, 60% và 100% số tiền phải trích lập dự phòng cho năm 2021, 2022 và 2023.
Trích lập dự phòng tuy không ảnh hưởng tới dòng tiền, chỉ là bút toán ghi nhận, nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng. Việc trích lập dự phòng kèm với gia hạn thêm thời gian giảm lãi/phí cũng sẽ làm hao hụt đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN là hướng đến việc hỗ trợ những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là những khách bị ảnh hưởng từ đợt dịch lần thứ 4, mà Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN lần thứ nhất) chưa thể “chạm” tới. Điều này giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được áp lực thời gian trả nợ cũng như “dễ thở” hơn trong vấn đề về dòng tiền.
Còn ngành Ngân hàng đã được hưởng lợi khá nhiều từ Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, lợi nhuận ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Vì vậy, Ngân hàng không phải là đối tượng được hỗ trợ lần này.
Tuy nhiên, đây sẽ là thách thức đối với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ. Bởi khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi, không đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng mạnh.
Gia tăng “phân hoá” giữa các ngân hàng
Thực tế, nợ xấu giai đoạn hiện nay không giống như giai đoạn năm 2008. Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế không phải là yếu tố chủ quan, mà là khách quan, đến từ dịch bệnh toàn cầu. Do đó, quá trình phục hồi sẽ khó dự báo hơn.
Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động bởi dịch. Kể cả những đơn vị sản xuất - kinh doanh hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải tạm ngừng hoạt động, có nguy cơ bị đứt gãy sản xuất và chuỗi cung ứng.
Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng và cả đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo, nợ xấu có nguy cơ bùng phát do đại dịch, đặc biệt sau khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Đó cũng là lý do để các ngân hàng gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, để “bộ đệm” dự phòng ngày càng dày hơn, hạn chế “cục máu đông” nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, càng cho thấy ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xoá các món nợ khó thu hồi của ngân hàng. Đồng thời, dự phòng rủi ro cũng được coi là “của để dành”, bởi không phải khoản nợ xấu nào cũng có nguy cơ mất trắng, mà sau khi thu hồi nợ, ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng, chuyển hoá thành lợi nhuận.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chủ động trước trong việc trích lập, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để ứng phó rủi ro. Các ngân hàng lớn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu “khủng” 200-300% là Vietcombank (366,4%), Techcombank (259%), MBBank (257%), ACB (208%)... và một số ngân hàng khác có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% như TPBank, BIDV, Vietinbank.
Trong khi đó, có tới 18/30 ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%, thậm chí tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 50%. Vì những ngân hàng này chỉ trích lập dự phòng theo diễn biến của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực, rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn, tức bộ đệm dày sẽ có có đủ sức chống đỡ. Trường hợp nền kinh tế phục hồi tích cực, ngân hàng vẫn có thể hoàn nhập dự phòng, giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng cao.
Ngược lại, những ngân hàng chưa có bộ đệm dày, không hạch toán nợ xấu đúng theo thực tế, mà vẫn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước được phép không chuyển nhóm nợ, sẽ dẫn đến nguy hiểm là chỉ số không chính xác với thực tế, dễ rơi vào nguy cơ khủng hoảng, phải tăng trích lập dự phòng làm sụt giảm lợi nhuận.
Như vậy, sự phân hoá về lợi nhuận cũng như quản trị rủi ro nợ xấu giữa các ngân hàng sẽ thể hiện rõ rệt hơn khi nợ xấu gia tăng sau 30/6/2022, khi Thông tư số 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực và nếu không phát sinh thêm Thông tư khác bổ sung, sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.