Tuyên Quang:
Phát triển rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân
Sau hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang mới đứng thứ ba cả nước về tỷ lệ diện tích rừng với độ che phủ rừng đạt 62,2% (sau tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên). Rừng Tuyên Quang không chỉ giúp bảo vệ môi trường sinh thái mà còn tạo sinh kế cho người dân.

Sau hợp nhất, từ ngày 1/7/2025, diện tích có rừng tỉnh Tuyên Quang (mới) là 901.649 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 620.892 ha; rừng trồng 280.757 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 62,2%.
Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, các hoạt động quản lý, theo dõi diễn biến rừng được thực hiện thường xuyên; cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng toàn tỉnh được cập nhật kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với việc tổ chức 1.880 cuộc tuyên truyền với hơn 115.000 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 119.031 hộ gia đình; phát hành 430 cuốn tài liệu, hơn 12.500 tờ rơi và đăng tải 5.581 tin tuyên truyền trên mạng xã hội; 77 buổi tuyên truyền tại các phiên chợ...
Song song với tuyên truyền, việc tập trung phát triển rừng, nâng cao độ che phủ, giá trị kinh tế lâm nghiệp cũng được tỉnh chú trọng, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Để triển khai trồng rừng đúng thời vụ, đúng kế hoạch, kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ cây giống, vật tư và các điều kiện cần thiết.
6 tháng đầu năm 2025, tổng diện tích rừng trồng mới đạt 11.691,5 ha. Trong đó, diện tích rừng sản xuất chiếm 11.546,1 ha; rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chiếm 145,4 ha.
Ngoài ra, các phong trào trồng cây cũng được phát động thu hút người dân tham gia. Tính riêng phong trào trồng cây năm 2025 đã trồng mới được khoảng 1,35 triệu cây.
Điểm nổi bật trong bảo vệ rừng của tỉnh Tuyên Quang là cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt hơn 89.094 ha, trong đó có 63.727 ha được cấp mới và 25.367 ha được cấp lại, hoàn thành 92,3% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2021-2025.
Việc cấp chứng chỉ đã khẳng định chất lượng và tính bền vững của các khu rừng trồng, đồng thời mở ra cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, tăng khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đến nay, rừng Tuyên Quang không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái còn tạo sinh kế cho người dân.