Đa dạng hóa kênh huy động vốn cho tín dụng chính sách
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo có đủ nguồn lực tiếp tục là điểm tựa về an sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1560/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách nhà Nước bố trí cho NHCSXH chiếm 30% tổng nguồn vốn. Báo cáo cấp có thẩm quyền nâng hạn mức trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho NHCSXH.
Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn này chiếm 30% tổng nguồn vốn. Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn hoạt động trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH.
Các bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục quy định về việc các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước.
Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn.
Căn cứ đặc điểm tình hình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để triển khai các đề án, chương trình tín dụng phù hợp cho các dự án, đối tượng được địa phương phê duyệt.
Theo NHCSXH, tính đến hết tháng 6/2025, tổng nguồn vốn đạt 416.479 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2024.
Đáng chú ý, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đã tăng mạnh, đạt 62.136 tỷ đồng, tăng 11.455 tỷ đồng so với năm 2024. Đến nay, 54/63 chi nhánh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giao năm 2025. Nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có mức ủy thác cao trên 1.000 tỷ đồng.
Tổng doanh số cho vay tại NHCSXH trong 6 tháng đầu năm đạt 81.992 tỷ đồng, với 1.313 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 393.830 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2024 với gần 6.822 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Theo nhiều đánh giá, các nguồn vốn này góp phần quan trọng trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, nhất là hỗ trợ người hoàn lương và các đối tượng yếu thế.
Bên cạnh việc giải quyết bài toán vốn, Kế hoạch cũng đề ra một loạt giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong đó, yêu cầu rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách hiện hành; chú trọng cung cấp tín dụng chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác...
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh - xã hội; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa qua, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát thu hồi nợ, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đặc biệt, sau khi thực hiện công cuộc sắp xếp lại đơn vị hành chính, Tổng Giám đốc NHCSXH yêu cầu toàn hệ thống nỗ lực đảm bảo duy trì mạng lưới hoạt động ổn định, hiệu quả, đặc biệt là hoạt động của các Điểm giao dịch xã và của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đồng thời, yêu cầu Hội sở chính và chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ động bám sát, phối hợp với chính quyền địa phương để không gián đoạn tín dụng chính sách tại cơ sở, đặt mục tiêu phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách xuyên suốt, hiệu quả.