Thủ đoạn biến tiền “bẩn” thành tiền sạch

PV.

Theo nhận diện của cơ quan chức năng, thủ đoạn rửa tiền của tội phạm hiện nay tuy tinh vi, đa dạng, song đều có đặc điểm chung là lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống chính sách, pháp luật mỗi nước để biến tiền “bẩn” thành tiền sạch”.

Lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện hành vi rửa tiền

Nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ phát triển hội nhập cho nên có sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế đa dạng, phong phú với nhiều hình thức, lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường rất lớn. Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho tội phạm rửa tiền hoạt động.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có. Tội phạm rửa tiền từ lâu đã là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm có một lượng lớn tiền “bẩn” được “rửa” trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.

Ví von về hành vi rửa tiền, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng, công việc rửa tiền giống như giặt áo quần. Nếu giặt một lần không sạch, thì giặt nhiều lần mới có thể sạch. Rửa tiền là hành vi không dễ nhưng bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng là cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc “tiền bẩn” ban đầu.

Qua nghiên cứu của cơ quan điều tra cho thấy, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam chủ yếu tuồn tiền “bẩn” từ nước ngoài về để hợp pháp hóa; còn các đối tượng trong nước sử dụng tiền lừa đảo được, tham nhũng, buôn lậu hoặc tiền kiếm được từ buôn bán ma túy… để mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp khác… Trong thực tế hiện nay vẫn có hiện tượng đối tượng mang tiền tham ô, tham nhũng cho con cái, người thân đầu tư, làm ăn, gây khó khăn cho quan chức trong quá trình nhận diện hành vi “rửa tiền”.

“Thủ đoạn rửa tiền của tội phạm rất tinh vi, đa dạng, song đều có đặc điểm chung là lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống chính sách, pháp luật mỗi nước để biến tiền “bẩn” thành tiền sạch”, Đại tá Nguyễn Trọng Long, Phó Cục trưởng C46 cho biết.

Hành vi rửa tiền điển hình tại Việt Nam

Một điển hình trong hoạt động rửa tiền của tội phạm ở nước ta thời gian gần đây đã được cơ quan điều tra nhận diện, đó là vào cuối tháng 10/2016, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 4 bị can gồm: Trần Văn Liêm, 61 tuổi, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines); Trần Văn Khương, 66 tuổi, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines; Giang Kim Đạt, 39 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, cả 3 bị truy tố về tội tham ô tài sản. Còn hành vi của Giang Văn Hiển, 66 tuổi, trú tại phường Bình An, quận 2, TP. Hồ Chí Minh (bố đẻ của Giang Kim Đạt), bị truy tố về tội rửa tiền.

 Theo cáo trạng, từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2007, Trần Văn Liêm ký hợp đồng mua 3 con tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix, giao cho Giang Kim Đạt đàm phán mua tàu.

Trong quá trình làm việc, Đạt đã thực hiện hành vi tham ô tài sản. Khi lấy được tiền từ các thương vụ mua tàu, Đạt chuyển vào tài khoản của bố mình là Giang Văn Hiển. Đối tượng Hiển thấy tiền trong tài khoản liền rút tiền mặt đưa cho Giang Kim Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên mình và người thân trong gia đình. Hành động tẩu tán số tiền phi pháp bằng cách mua bất động sản và ôtô của Hiển chính là hành vi rửa tiền.