Giữ bí mật thông tin khách hàng tại các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng.
Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng đã được Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, những quy định của Nghị định 70/2000/NĐ-CP đến nay vẫn chưa bao quát hết yêu cầu thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như cân đối với các quy định khác của pháp luật.Việc giữ bí mật thông tin ngày càng được đề cao trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Trong quá trình giao dịch với khách hàng, tổ chức tín dụng nắm rất nhiều thông tin khách hàng, đó là những thông tin liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính hay những thông tin liên quan đến các vấn đề riêng tư cá nhân của khách hàng.
Những thông tin này rất nhạy cảm, có thể có giá trị kinh tế cao, cần phải được bảo vệ để không bị người khác khai thác, sử dụng. Chính vì thế, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng. Một tổ chức tín dụng không giữ bí mật thông tin khách hàng thường sẽ mất lòng tin của khách hàng nói riêng và của công chúng nói chung.
Tuy nhiên, tổ chức tín dụng không thể vì giữ bí mật thông tin khách hàng mà làm ảnh hưởng đến lợi ích chung hay tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động phạm pháp như khủng bố, rửa tiền, lừa đảo… Trong những trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng có thể cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba.
Do đó, pháp luật cần phải có chế định về nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, các trường hợp ngoại lệ và chế tài thích hợp nếu tổ chức tín dụng vi phạm nghĩa vụ này. Trong quá trình hoạt động, yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng mở rộng hơn, các ngân hàng thương mại cũng đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về việc xem xét đưa thêm nhiều loại thông tin của khách hàng vào diện bí mật.
Cụ thể, Nghị định 70/2000/NĐ-CP quy định bí mật thông tin tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng, nhưng theo ý kiến của nhiều ngân hàng thương mại tập hợp lại, có nhiều thông tin khác cũng quan trọng không kém, mà nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng cũng như ngân hàng.
Dự thảo mới cần xác định rõ các loại tài sản gửi của khách hàng tại ngân hàng, bao gồm loại chủ động quyết định gửi hoặc không gửi (như tiền gửi tiết kiệm, kim loại quý, đá quý…), loại khách hàng buộc phải đưa cho ngân hàng giữ theo cam kết, thỏa thuận trong các hợp đồng (như vật cầm cố, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu…).
Rộng hơn nữa, nhiều ngân hàng thương mại cùng chung kiến nghị, kể cả các giao dịch như mua, bán ngoại tệ của khách hàng, các giao dịch khác, cho đến tình hình tài chính của họ khi ngân hàng thẩm định, giám sát trong quá trình cho vay cũng cần được xem xét đưa vào diện thông tin bí mật.
Nguyên tắc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng cũng được xác định rõ thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng thì phải được quản lý, sử dụng, lưu trữ và bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng thuộc diện bí mật sai quy định, không đúng đối tượng, không chính xác và không trung thực thì khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, và được tổ chức tín dụng đó bồi thường thiệt hại liên quan.