Thủ đoạn gian lận vận chuyển nguyên vật liệu của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường Việt Nam
Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng quy định không triển khai lực lượng hải quan giám sát trực tiếp tại cổng ra, vào các khu chế xuất, để đưa hàng hóa là nguyên vật liệu thuộc diện miễn thuế vào thị trường nội địa để tiêu thụ, với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Theo quy định hiện hành, cơ quan Hải quan không triển khai lực lượng giám sát trực tiếp tại cổng ra, vào của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Việc này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp trong nội địa.
Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng quy định không triển khai lực lượng hải quan giám sát trực tiếp tại cổng ra, vào các khu chế xuất, để đưa hàng hóa là nguyên vật liệu thuộc diện miễn thuế vào thị trường nội địa để tiêu thụ, với phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Cụ thể, sau khi làm thủ tục quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất ký hợp đồng kinh tế để bán nguyên liệu dư thừa sau quá trình sản xuất cho doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp chế xuất mở tờ khai theo loại hình sản xuất kinh doanh (B11), đồng thời doanh nghiệp nội địa mở tờ khai nhập khẩu đối ứng theo loại hình nhập kinh doanh (A12 hoặc A11). Sau đó, doanh nghiệp nội địa dùng các tờ khai này để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất vào nội địa và xuất trình khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Các tờ khai hải quan này được doanh nghiệp sử dụng quay vòng nhiều lần, số lượng hàng vận chuyển mỗi lần đều không vượt quá số lượng khai báo trong tờ khai nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp nội địa sẽ đưa được lượng hàng lớn ra khỏi doanh nghiệp chế xuất so với số lượng khai báo, làm thủ tục hải quan, gây thất thoát cho Nhà nước, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa có thuế suất thuế nhập khẩu cao.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự, mới đây, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong và sau thông quan, đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu của doanh nghiệp chế xuất, nhất là các doanh nghiệp chế xuất mở tờ khai theo loại hình xuất kinh doanh (B11) để bán hàng cho các doanh nghiệp nội địa (mở tờ khai nhập khẩu đối ứng theo loại hình nhập kinh doanh – A12 hoặc A11).
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo quy định hiện hành để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Trong đó, cần lưu ý thủ đoạn của doanh nghiệp nội địa mua hàng trong khu chế xuất (theo loại hình A12 hoặc A11), chưa nộp thuế, chưa hoàn thành thủ tục hải quan nhưng vẫn vận chuyển hàng ra khỏi kho của doanh nghiệp chế xuất, sử dụng tờ khai nhập khẩu vận chuyển hàng hóa nhiều lần ra khỏi doanh nghiệp chế xuất.
Theo quy định hiện hành tờ khai nhập khẩu sau khi khai và nộp đủ các loại thuế mới được thông quan, khi đó, doanh nghiệp mới được vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu nhập về kho của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với trường hợp mua hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nội địa mở tờ khai, khai thuế nhưng chưa nộp thuế và vẫn sử dụng tờ khai in từ hệ thống làm chứng từ đi đường để đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Doanh nghiệp nội địa vận chuyển hàng hóa ra khỏi kho hoặc nhà máy, trụ sở của doanh nghiệp chế xuất, cơ quan Hải quan không nắm được số lần doanh nghiệp vận chuyển, số lượng đã vận chuyển.