Thu hút đầu tư Hàn Quốc tăng bất chấp ảnh hưởng đại dịch

Theo Thanh Thanh/congthuong.vn

Thời gian qua, tuy dịch bệnh Covid- 19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu song đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng và dự báo các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thu hút đầu tư Hàn Quốc tăng bất chấp đại dịch

Hiện nay, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là nước xuất khẩu thứ ba và nhập khẩu thứ hai sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tính đến quý II/2021 đạt khoảng 67,5 tỷ USD. Dựa trên xu hướng hiện tại, thương mại song phương dự kiến đạt 70 tỷ USD vào cuối năm 2021 này. Mặc dù, với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng có thể thấy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tăng đáng kể.

Tính trong tháng 10/2021 Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản, đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ 2020.

DN Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến… tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu. Đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thu hút được vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Trong đó, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu với 957 dự án, có tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam; tiếp theo là Hải Phòng và Hà Nội với tổng vốn đăng ký lần lượt là 8,1 tỷ USD và 7,78 tỷ USD.

Tuy làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát từ giữa năm 2021 đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng song Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đồng hành cùng Việt Nam từng bước “Thích ứng an toàn” trước đại dịch.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của DN Hàn Quốc

Ông Kang Myeong IL - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đầu tư của các DN Hàn Quốc vào TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tăng lên bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch. Bởi xét về bối cảnh địa lý kinh tế học khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dẫn đến sự phân tách kinh tế, phát sinh hiện tượng các nhà đầu tư di dời nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba. Việt Nam đã gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN sản xuất và đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước Châu Âu và Châu Á và Việt Nam là quốc gia trọng điểm để các nhà đầu tư di dời nhà máy sản xuất.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các DN nhưng Chính phủ đã đối phó kịp thời trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh này. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 ở TP. Hồ Chí Minh là 99% và mũi 2 là hơn 80%, đây là tỷ lệ rất lý tưởng trong phòng chống dịch, nhanh chóng giúp DN hồi phục và ổn định sản xuất trong điều kiện mới - Ông Kang Myeong IL nhấn mạnh.

Từ phía các DN Hàn Quốc cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các tỉnh thành đồng hành cùng các nhà đầu tư nhất là trong thời gian qua khi dịch bệnh hoành hành tại các tỉnh thành phía Nam. Thông qua buổi gặp mặt, đối thoại với chính quyền các DN Hàn Quốc đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đã có hướng dẫn cách giải quyết nhanh chóng nhất là trong vấn đề di chuyển, tiêm vaccine, cách ly tập trung, đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch.

Ông Park Hyun Bae - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai đánh giá thời gian qua, dù xảy ra dịch bệnh nhưng nhiều DN Hàn Quốc vẫn nhờ hiệp hội hỗ trợ các thông tin xúc tiến đầu tư với dự tính khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, việc đi lại dễ dàng các DN sẽ đăng ký thực hiện đầu tư dự án. Hiện nay nhiều tập đoàn của Hàn Quốc cũng đang muốn thuê diện tích đất lớn tại Việt Nam để thực hiện các dự án sản xuất có quy mô lớn tro ngành điện tử, vải sợi cho ngành dệt may, giày dép, thiết bị máy móc... Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên mời gọi đầu tư để góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu vào các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.