Tỉnh Tây Ninh:
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị ngưng trệ; thu hút đầu tư mới gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
Ðợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bị ngưng trệ; thu hút đầu tư mới gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, tỉnh Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh trên địa bàn.
Tăng cường thu hút đầu tư dự án mới
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) Tây Ninh, trong 9 tháng năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt 8.040 tỷ đồng và hơn 422 triệu USD; có 70 dự án, gồm 58 dự án trong nước, 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới, tăng 173,9% so với cùng kỳ về số dự án thu hút mới.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 648 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ; đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với vốn đầu tư 91 triệu USD; 18 dự án tăng vốn hơn 647 triệu USD, tăng 183,6% về vốn đăng ký. Các dự án thu hút đầu tư 100% thuộc lĩnh vực công nghiệp.
Về đầu tư trong nước, tổng vốn thu hút hơn 9.858 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ, trong đó, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới 58 dự án với tổng vốn hơn 8.123 tỷ đồng, tăng 65,7% về số dự án và tăng 256% về vốn đăng ký so cùng kỳ, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp.
Kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua cho thấy sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tính từ đầu năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19, số dự án và vốn thu hút mới đầu tư nước ngoài giảm.
Toàn tỉnh hiện có 339 dự án còn hoạt động, 64 dự án tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch COVID-19, tổng số lao động tạm thời nghỉ việc do ảnh hưởng dịch là 108.792 người, trong đó lao động tự nghỉ việc 1.059 người; lao động doanh nghiệp tạm cho nghỉ việc nhưng vẫn trả lương là 183.259 người; lao động doanh nghiệp tạm cho nghỉ việc, không trả lương 24.474 người.
Riêng thu hút đầu tư trong nước tăng cao về số dự án cấp mới và số vốn đăng ký, trong đó thu hút được 1 dự án có vốn đầu tư lớn và 4 dự án nhà ở. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 31/8/2021, tổng vốn đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) hơn 779 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch; tổng diện tích đất cho thuê đạt 56,6 ha, đạt 56,6% kế hoạch; cấp mới 14 dự án đầu tư vào các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký 90,1 triệu USD và 30,3 tỷ đồng, tổng diện tích đất cho thuê 23,65 ha, gồm 11 dự án FDI và 3 dự án trong nước.
Có 96 lượt dự án đầu tư điều chỉnh, trong đó, có 14 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 640,38 triệu USD và hơn 1.103 tỷ đồng; 4 dự án giảm vốn đầu tư; 5 dự án điều chỉnh tăng diện tích với diện tích điều chỉnh tăng là 32,95 ha; 1 dự án điều chỉnh giảm diện tích với diện tích điều chỉnh giảm là 5,26 ha. Các dự án mới thu hút vào KCN, KKT tỉnh chủ yếu từ các nước Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh), Ðức, Thái Lan.
Tây Ninh có vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp nói riêng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ðây là điểm mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thường xuyên tổ chức các hội nghị, cuộc khảo sát để lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, từng bước phục hồi kinh tế.
Bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi
Thời gian tới, việc thu hút các dự án FDI tiếp tục được tỉnh Tây Ninh coi trọng, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, dự án xanh... nhằm phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Ðể đạt mục tiêu đề ra, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xem là giải pháp trọng tâm, cần được thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả hơn.
Ðể đạt được mục tiêu thu hút các dự án FDI có nguồn vốn lớn, Sở KH&ÐT Tây Ninh là cơ quan đầu mối thẩm định dự án đầu tư phải thực hiện tốt việc phối hợp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm duy trì môi trường đầu tư ổn định, thu hút đầu tư có chọn lọc, đa dạng về quốc gia và ngành nghề. Ðơn vị sẽ hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó không bao gồm các dự án đầu tư công và dự án đầu tư trong KCN, KKT.
Xác định thu hút đầu tư trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, Sở KH&ÐT Tây Ninh tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ trao đổi, vận chuyển, phân phối tiêu thụ hàng hoá giữa các địa phương, cung cấp kịp thời, ổn định nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cần thiết như: điện, xăng dầu, vật liệu... phục vụ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh để hiện thực hoá các chủ trương về thu hút đầu tư. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở KH&ÐT Tây Ninh còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, như: gói vay lãi suất ưu đãi của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, ưu tiên trong KCN, KKT và các doanh nghiệp ngoài KCN, KKT nhưng có lượng công nhân lớn và nộp ngân sách đúng theo quy định của 2 năm trước liền kề. Sở Tài chính được giao nhiệm vụ nghiên cứu gói hỗ trợ, có thể chia thành nhiều đợt tuỳ vào ngân sách của tỉnh, kể cả chi đầu tư công.
Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chú trọng chất lượng hơn về số lượng. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; đa dạng các quốc gia và vùng, lãnh thổ khác nhau, đa dạng ngành nghề đầu tư.
Tăng cường hậu kiểm, thực hiện tốt công tác quy hoạch, triển khai có hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN, KKT; đổi mới công tác đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thông qua các doanh nghiệp lớn có dự án trong tỉnh để giới thiệu các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu môi trường đầu tư; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng xã hội nhằm phục vụ các KCN phát triển bền vững.
Tây Ninh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn phát triển thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội. Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cùng các sở, ngành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục chọn Tây Ninh làm điểm đến để tìm hiểu cơ hội đầu tư, gắn bó lâu dài, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác đầu tư hiệu quả thời gian tới.