Thu hút đầu tư tư nhân vào nền kinh tế
Thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào nền kinh tế cũng như triển khai các dự án đầu tư; bên cạnh đó cũng cần có những chính sách để chống lãng phí trong triển khai các dự án.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển
Tiếp tục thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình và đánh giá cao với những kết quả đã đạt được cũng như những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra trong thời gian tới. Các đại biểu tin tưởng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ hoàn thành trong thời gian tới.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đánh giá, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể đã đề ra là những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, đồng bộ, toàn diện, được tính toán kỹ trên cơ sở đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có việc ưu tiên làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, Đại biểu đề nghị xác định rõ một trong ba đột phá chiến lược đóng vai trò chìa khóa của sự phát triển, thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức. Theo Đại biểu, đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn dân số vàng.
Đại biểu đề nghị Chính phủ có các chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần quan tâm, đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đại biểu nhấn mạnh, đây là mắt xích quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý hành vi vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh tin cậy, công bằng và minh bạch.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu để thống nhất sửa đổi, bổ sung một số luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ, nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút nguồn lực cho phát triển đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực vào đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm
Quan tâm đến nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng. Trong đó, đã dành nguồn lực đầu tư công rất lớn để đầu tư về giao thông. Nguyên tắc được xác định là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, Đại biểu bày tỏ lo ngại về tỷ lệ đầu tư tư nhân suy giảm. Theo Đại biểu, giai đoạn hiện nay, tăng đầu tư tư chỉ đạt khoảng 7%, chỉ bằng một nửa so với giai đoạn trước. Do đó, Đại biểu cho rằng cần tìm rõ nguyên nhân của tình trạng này để có giải pháp thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư vào vào nền kinh tế. Trong đó, phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột. Đại biểu đề xuất, đối với công trình trọng điểm quốc gia, có thể mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân để tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân đối với toàn xã hội.
Liên quan đến vấn đề chống lãng phí, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Nghị quyết số 78 của Quốc hội năm 2022 đã nêu danh mục 13 dự án đầu tư trọng điểm để chậm trễ; 19 dự án để hoang hóa; 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng... Theo Đại biểu, cần phải xử lý những dự án trong danh mục này để vừa có tác dụng cảnh tỉnh, vừa cắt giảm đi phần lãng phí này.
Để phòng chống lãng phí, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, có các giải pháp khắc phục điểm nghẽn thể chế, thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt, Đại biểu đề nghị có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương, tổ chức thực hiện với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng"; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.