Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Thành Nam, Quang Sơn/Báo Thời Nay

Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, tạo nên sản phẩm giá trị cao, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 80% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ ứng dụng CNC trong sản xuất.

Mô hình trồng lan công nghệ cao của Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại.
Mô hình trồng lan công nghệ cao của Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại.

Gia tăng giá trị nhờ áp dụng công nghệ mới

Là đơn vị chuyên trồng rau và dưa lưới bằng phương pháp thủy canh tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), trang trại Mekong Farm của anh Trần Phúc Hậu hiện đang trồng rau thủy canh trên diện tích 2.000 m2, sau một năm cho thu hoạch hơn 20 tấn rau, chủ yếu các loại rau xà lách và rau muống bản địa. 

Bên cạnh đó, anh Hậu còn trồng dưa lưới trên diện tích 1.200 m2, hơn 3.000 cây dưa lưới, mỗi năm có thể trồng 5 vụ cho thu hoạch hơn 20 tấn. “Sản phẩm được trồng trong nhà kính, quản lý bằng quy trình chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu (XK). Mỗi cây dưa có thể cho hai trái với sự vượt trội về chất lượng, độ ngọt”, anh Hậu chia sẻ.

Theo anh Hậu, để có một mô hình rau thủy canh cần phải đầu tư nhiều về vốn, kỹ thuật, công nghệ… Đồng thời, được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống máy tính, cung cấp vừa và đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây, bảo đảm sản phẩm đầu ra với chất lượng cao nhất. 

Tương tự, để có được mô hình trồng lan phát triển như ngày hôm nay của Hợp tác xã (HTX) hoa lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc HTX, đã liên kết với các chủ trại trồng hoa lan ở An Nhơn Tây với diện tích 25 ha để thành lập HTX.

Với khoảng 800.000 gốc lan Mokara, hình thành vùng chuyên sản xuất hoa lan quy mô lớn ở địa phương, HTX đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa kiểm soát được thời điểm thu hoạch hoa lan XK, thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm và trở thành mô hình điểm của nền sản xuất nông nghiệp đô thị. 

Không chỉ vậy, HTX còn phát triển trang trại thành điểm tham quan du lịch. Trước đây, bình quân mỗi tháng vườn lan Huyền Thoại đón khoảng 10 đoàn khách, với khoảng 200 người, trong đó có cả những nhóm khách nước ngoài. HTX còn mở thêm các lớp hướng nghiệp, nâng cao kiến thức về nông nghiệp…

Cũng tại huyện Củ Chi, mô hình chăn nuôi bò sữa theo công nghệ hiện đại cho những kết quả tích cực. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 500 con bò sữa được chăn nuôi theo mô hình ứng dụng CNC; khoảng 830 hộ chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 16.000 con được chăn nuôi theo mô hình ứng dụng CNC, mang lại hiệu quả về kinh tế, giúp người nông dân nâng cao ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, năng suất cao, bảo vệ môi trường chung quanh bằng nhiều phương pháp chăn nuôi khép kín, dây chuyền hiện đại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, CNC và công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 5,82%/năm. 

Hướng tới nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững

Dù thành phố được coi là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng được khu nông nghiệp CNC và có chương trình phát triển nông nghiệp CNC bài bản, đồng bộ, cho ra nhiều chế phẩm sinh học mang tính ứng dụng cao, các giống hoa, rau, dưa mới với chất lượng, năng suất cao… song theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp lại chưa tương xứng tiềm năng.

Ngay cả Trung tâm công nghệ sinh học thành phố - đơn vị đầu tàu trong chương trình phát triển nông nghiệp CNC của thành phố nhưng các sản phẩm ứng dụng CNC không đáng kể do hầu hết các nghiên cứu đi sâu vào lý thuyết, chưa bám sát thực tế, chưa có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu với đơn vị sản xuất.

Không những thế, quỹ đất phát triển nông nghiệp CNC hạn chế, manh mún do tốc độ đô thị hóa rất nhanh; thiếu nhân lực chất lượng cao và có kinh nghiệm; chất lượng lao động các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để đưa nền nông nghiệp CNC thành phố phát triển thời gian tới, PGS., TS. Dương Hoa Xô - nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần quy hoạch bài bản quỹ đất dành cho nông nghiệp, nhất là xây dựng thêm các khu nông nghiệp CNC kèm những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, nâng cao chất lượng lao động địa phương, có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về vốn cho những cá nhân, đơn vị làm nông nghiệp CNC… 

Trao đổi ý kiến với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, để hướng tới nền nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh, thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống bảo đảm cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng CNC, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết thêm, ngành nông nghiệp thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 2,5 lần so giai đoạn 2010 - 2019. Giá trị giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và sản phẩm nông nghiệp CNC sẽ cao hơn các giống, sản phẩm thông thường 6-8%, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững. 

Để đưa ngành nông nghiệp CNC phát triển bền vững, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp CNC trên địa bàn giai đoạn từ năm 2020 - 2030. Theo lộ trình đến năm 2030, thành phố phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 75 - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; hơn 70% số hộ nông dân và hơn 80% số doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật CNC; hơn 30% số HTX ứng dụng CNC…