Thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Doanh nghiệp nói gì?
Các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp diễn ra sáng 30/7/2018 tại Lâm Đồng.
49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Tại hội nghị đại diện các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp cho rằng, những vấn đề đặt ra hiện nay là cần có chính sách để khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn; Cần lấy doanh nghiệp là nòng cốt, nông dân là chủ thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; Hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thúc đẩy phát triển các hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk cho rằng, Việt Nam đủ điều kiện để "làm một bếp ăn tử tế cho thế giới" nhưng trước hết hãy "làm một bếp ăn tử tế cho người Việt". Các hoạt động nông nghiệp theo thông lệ quốc tế và quy luật thị trường và cần sớm có bộ chính sách cho một chuỗi giá trị sản phẩm trọn gói "từ đồng cỏ đến bàn ăn" có tận dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học tích hợp lại tạo giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp rõ ràng
Những đề xuất nói trên của Chủ tịch TH True Milk Việt Nam cũng là đòi hỏi từ nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan đề xuất liên kết để thúc đẩy chuỗi sản xuất nông nghiệp: "Để tăng hiệu quả ngành Nông nghiệp, Nhà nước cần khuyến khích và ban hành cơ chế phù hợp thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, nâng cao giá trị cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia để cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay".
Chủ tịch Tập đoàn Masan cũng cho rằng, quỹ đất cho nông nghiệp đang giảm dần nên để tăng hiệu suất trồng trọt chăn nuôi với quy mô lớn thì Nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý và phát triển tài nguyên mặt nước biển gần bờ bởi Việt Nam có bờ biển dài vốn là tài nguyên lớn cần có chiến lược khai thác theo hướng nuôi trồng bền vững.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm: Chuỗi giá trị nông nghiệp đang phân tán, rời rạc; Đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ; Giá trị đầu tư vào toàn nông nghiệp cũng còn hạn chế.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng gợi ý một số giải pháp thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành Nông nghiệp Việt Nam như: Chính phủ cần đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại để có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp rõ ràng; Tạo niềm tin để doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương; có biện pháp để giảm chi phí thương mại...
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định vai trò của hộ nông dân trong các thành tựu của ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đến lúc bão hòa bởi trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì hộ nông dân cá thể không còn “chủ lực” được nữa. Điều này đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu từ hộ cá thể sang hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và liên minh giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
Cụ thể về giải pháp hỗ trợ người nông dân, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ và chính quyền địa phương "đo đếm" sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng cách chỉ ra mỗi năm, tại mỗi tỉnh thì Nhà nước giúp được bao nhiêu hợp tác xã, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công bố chỉ tiêu thu nhập nông dân được bao nhiêu, bao nhiêu đất nông nghiệp được nông dân thâm canh. Theo các chuyên gia kinh tế, thông qua việc "lượng hóa" này, Nhà nước có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.