Thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2016 với nhiều tín hiệu lạc quan
Môi trường kinh doanh ổn định là một tiền đề không thể thiếu để quyết định đầu tư. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc và đạt được những kết quả quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/05/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015; Cả nước có 907 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,56 tỷ USD, tăng 155,9% so với cùng kỳ năm 2015; có 425 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,59tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Trong 5 tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 398 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,61 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng. Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ 2 với 67 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,3 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 542,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư..
Theo đối tác đầu tư:
Tháng 5 tháng đầu năm 2016 có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,42 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Với dự án lớn 1,248 tỷ USD, Luxembourg đứng vị trí thứ hai và chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 907,1 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong 5 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 139 dự án cấp mới và 41 dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,96 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,71 tỷ USD, chiếm 16,9%. Tiếp theo là Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 921,8 triệu USD chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 5 tháng đầu năm 2016
- Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....
- Dự án Công ty Cổ phần viễn thông di động Vietnamobile, cấp phép ngày 21/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,248 tỷ USD do nhà đầu tư Luxembourg đầu tư với mục tiêu thực hiện hoạt động thông tin truyền thông tại Hà Nội.
- Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.
- Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia; góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế.
- Dự án Midtown, tổng vốn đầu tư 225,62 triệu USD do Cayman Islands với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.
- Dự án Công ty TNHH nhà máy giấy Đại Dương do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD với mục tiêu sản xuất các loại Giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng (sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu) tại Tiền Giang.
- Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam, tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD do Berjaya corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên xổ số điện toán Việt Nam đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu Kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán, bao gồm xổ số tự chọn số theo ma trận, xổ số tự chọn số theo dãy số, xổ số tự chọn số quay số nhanh và xổ số tự chọn số điện toán.