Thu hút FDI trong điều kiện mới: Cần làm gì?
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về chống chuyển giá; đổi mới cơ chế, chính sách thuế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong điều kiện mới... để nâng cao hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với chủ trương mở cửa hội nhập khuyến khích, thu hút vốn đầu tư, trong những năm qua, lượng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thống kê cho thấy, đến nay, cả nước có 28.125 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 346,5 tỷ USD; Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 195,6 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực; Khu vực FDI chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp gần 20% GDP; tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp trên cả nước.
Riêng trong quý I/2019, tổng vốn FDI đăng ký đạt tới 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó bao gồm 785 dự án đăng ký mới với tổng vốn 3,8 tỷ USD, tăng 80%, và vốn góp, mua cổ phần đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng hơn 200%. Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến các cơ hội và thách thức mới cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó có đầu tư FDI. Cùng với đó, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA và các hiệp ước quốc tế về kinh tế, do đó cơ hội để đón nhận nguồn vốn đầu tư FDI cũng tăng mạnh hơn. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra, dòng vốn của các tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những dòng vốn này, có những dòng vốn FDI phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và cả những dòng vốn FDI không phù hợp với định hướng phát triển. Bởi vậy, vấn đề làm thế nào để thu hút và lựa chọn được các nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới là rất quan trọng.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu nhằm định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động; đảm bảo sự nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, thiết kế chính sách và việc thực thi chính sách. Nhà nước tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, pháp luật đối với đầu tư nước ngoài và có sự hài hòa với khối DN tư nhân trong nước, theo hướng quy định các chính sách ưu đãi đối với các ngành nghề có hàm lượng chất xám cao.
Đồng thời, giảm ưu đãi dư thừa, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về ưu đãi và thu hút đầu tư. Bởi ưu đãi thuế và tài chính có tác dụng không rõ rệt lên thu hút đầu tư bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng hạ tầng.
Ngoài ra, theo PGS.,TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính), chính sách thuế thu hút DN FDI đầu tư tại Việt Nam nói riêng và thu hút đầu tư nói chung không nên quá tập trung vào chính sách ưu đãi thuế mà cần hướng đến một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp cho người nộp thuế (kể cả chi phí chính thức và chi phí phi chính thức), tức là một hệ thống thuế: Minh bạch, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Nói cách khác, cần phải tiếp tục tập trung cải thiện chỉ số về nộp thuế trong bộ chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư và kinh doanh mà Ngân hàng Thế giới đánh giá hàng năm sao cho việc kê khai thuế, nộp thuế dễ dàng, thuận lợi, chi phí tuân thủ thuế thấp.