Doanh nghiệp FDI: Ưu đãi thuế cần hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc
Trước thực trạng các doanh nghiệp (DN) FDI được ưu đãi nhiều, nhưng việc đóng góp vào NSNN lại tăng trưởng chậm, thậm chí nhiều DN liên tục báo lỗ, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu đãi thuế có chọn lọc.
Chính sách thuế nội địa ưu đãi thu hút FDI
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Các chính sách thuế nội địa ưu đãi thu hút FDI cũng đã được chia thành nhiều giai đoạn.
Cụ thể, khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng bắt đầu công cuộc cải cách thuế giai đoạn 1, nhằm tạo môi trường khuyến khích thu hút đầu tư. Giai đoạn này, thuế suất phổ thông của thuế lợi tức đối với khu vực đầu tư nước ngoài là 25%, còn DN trong nước là 32%; ngoài ra, còn có thuế suất ưu đãi thấp hơn là 10%, 15% hoặc 20% áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư…
Đến giai đoạn 1995-2000, Việt Nam thực hiện cải cách thuế giai đoạn 2 trong bối cảnh bắt đầu tham gia vào các hiệp định thương mại. Năm 1999, Luật Thuế TNDN thay thế cho Luật Thuế lợi tức áp dụng thuế GTGT 0% đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu…
Giai đoạn 2001-2010, Việt Nam tiến hành cải cách thuế giai đoạn 3, với việc giảm thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế, bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Mở rộng quy định miễn thuế cho DN FDI
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cải cách thuế giai đoạn 4 trong bối cảnh đòi hỏi phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, nên các luật thuế mới được ban hành và sửa đổi bổ sung đều tuân theo định hướng này.
Cùng với đó, để thu hút đầu tư nước ngoài, Luật Thuế xuất nhập khẩu năm 1991 đã có nhiều quy định miễn thuế cho hàng hoá, nguyên liệu gia công của DN FDI. Sau đó, nhằm đáp ứng các cam kết hội nhập, đồng thời hoàn thiện các chính sách ưu đãi xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, Luật Thuế xuất nhập khẩu tiếp tục được sửa đổi trong các năm 2001, 2005 và 2016.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chính sách ưu đãi về thuế đã thúc đẩy DN FDI tăng trưởng nhanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh luôn duy trì ở mức cao, đóng góp ngày càng nhiều vào NSNN.
Nếu như năm 2012, khu vực FDI đóng góp vào NSNN (chưa kể thu từ dầu thô) hơn 83.000 tỷ đồng, năm 2013 hơn 111.000 tỷ đồng, năm 2014 hơn 123.000 tỷ đồng, năm 2015 hơn 140.000 tỷ đồng, thì đến năm 2016 con số này là 161.000 tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu của NSNN và đến năm 2017 chiếm 14,5%.
Ưu đãi dàn trải đã làm suy giảm nguồn thu
Tuy nhiên, mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng và dàn trải đã làm suy giảm nguồn thu, trong khi NSNN đang thiếu để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Đáng lưu ý là, mặc dù được hưởng ưu đãi nhưng tốc độ tăng về số nộp NSNN của khu vực DN FDI thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế, tương ứng đóng góp vào NSNN của DN FDI tăng trưởng chậm hơn so với năng lực hoạt động.
Số liệu phân tích báo cáo tài chính DN FDI từ năm 2012-2017 cho thấy, số lượng DN báo lỗ hàng năm từ 44%-52%, thậm chí năm 2017 lên tới 52%.
Đặc biệt, cùng với hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI, còn xuất hiện tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài vào Việt Nam) của một bộ phận DN FDI trong nước đang được hưởng ưu đãi lớn về thuế và thời gian miễn, giảm thuế TNDN.
Ưu đãi thuế cần hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc
Trước thực tế này, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cần phải có một nghiên cứu tổng thể trước khi xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, quan điểm về thu hút ĐTNN cần thay đổi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định, thay vào đó phải nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc, trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực; tập trung khuyến khích ưu đãi vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời, thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.
Song song với đó cần hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai theo hướng rà soát lại các ưu đãi để đảm bảo tính đồng bộ; đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế