Thu hút FDI xanh hướng đến phát triển bền vững

PV.

Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh, giúp Việt Nam hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Trong những năm qua, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Tính lũy kế đến ngày 20/2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 247,7 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 64,4 tỷ USD (chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 36,2 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư)...

Từ số liệu này cho thấy, số lượng dự án FDI xanh thể hiện qua số lượng các dự án về công nghệ cao, đô thị xanh ít khí phát thải... vẫn còn khá khiêm tốn, hầu hết các dự án hiện nay đều thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng thời, đa phần dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhiều dự án FDI là ngành sản xuất thô, có tính gia công cao, mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp FDI có năng lực công nghệ cao còn hạn chế, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và rào cản trong việc thu hút FDI xanh như: Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm và cơ chế, tiêu chuẩn môi trường để sàng lọc hiệu quả các dự án FDI; chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của một số dự án FDI. Vẫn chưa có tiêu chí đầy đủ, rõ ràng về FDI xanh để có thể đối chiếu, áp dụng... thu hút FDI sát với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ. Trong khi đó, ý thức của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định bảo vệ môi trường còn chưa cao. Thiếu ràng buộc trách nhiệm, chế tài bảo đảm việc tuân thủ cam kết của nhà đầu tư.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, để thu hút FDI xanh hiệu quả, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp sau sau:

Một là, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Hai là, xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (ví dụ: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Ba là, rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường; xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao.

Bốn là, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường.