Thu hút người lao động tự do tham gia BHXH - Nhiều việc phải làm

Hoàng Gia

Hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Trong khi đó, số người tự nguyện tham gia BHXH chỉ có hơn 251.000 người. Đây là con số rất thấp so với số người lao động tự do tham gia BHXH ở các nước trong khu vực.

Tham ga BHXH, người lao động sẽ có chỗ dựa thu nhập khi về già
Tham ga BHXH, người lao động sẽ có chỗ dựa thu nhập khi về già

Vì tương lai ổn định

Với mức tham gia chỉ vài trăm ngàn đồng trở lên mỗi tháng, khi tới tuổi nghỉ hưu như quy định của Nhà nước, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng gấp nhiều lần so với mức đóng. Hơn nữa, khi tham gia BHXH tự nguyện không chỉ người lao động được hưởng lương hưu mà còn được hưởng chế độ tử tuất, khi về hưu được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH chi trả.

Là lao động tự do, nhờ thấm nhuần chính sách về BHXH tự nguyện, bà Bùi Thị Hải (SN 1966, ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã tham gia. Bà Hải cho biết: “Sau khi nghỉ làm ruộng, tôi nhận làm việc phụ cho các gia đình, thu nhập hiện nay tuy có dôi dư nhưng cũng bấp bênh nên sau khi được cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, tôi đã tham gia được 3 năm với mức đóng 1 triệu đồng/tháng”.

Chính sách BHXH tự nguyện còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở chỗ, người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo quy định (thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm). Nhờ đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng.

Chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi về già. Vì vậy, thời gian qua, ngành BHXH luôn có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều phương thức tuyên truyền đã được triển khai trên diện rộng như đối thoại trực tiếp, ra chợ tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa…

Chính sách này còn nhân văn hơn nữa khi từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện hỗ trợ 30% mức chuẩn nghèo đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 25% mức chuẩn nghèo với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ 10% mức chuẩn nghèo với các trường hợp khác. Nhờ đó, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội ngày càng gia tăng.

Chưa tiếp cận chính sách BHXH 

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được ở Hà Nội và nhiều địa phương trong việc  vận động người lao động tự do tham gia BHXH, thực tế hiện nay nhiều người lao động tự do vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận, hiểu đầy đủ về các chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước về loại hình BHXH.

Nhiều lao động tự do vẫn nghĩ chỉ có những người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, có ký kết hợp đồng lao động mới tham gia BHXH. Trong khi, người lao động tự do chính là nhóm người cần thiết tham gia BHXH, nhằm tích lũy và có được thu nhập từ tiền lương hưu khi đã hết tuổi lao động hoặc khi bản thân không còn đủ sức để có thể tiếp tục lao động kiếm tiền. Ngoài việc chưa hiểu biết về chính sách BHXH, bản thân người lao động tự do, các tiểu thương còn e ngại các thủ tục hành chính khi tham gia BHXH.

Thực tế có những chính sách, những quy định của Nhà nước tuy mang tính nhân văn, có lợi cho người dân, người lao động tự do tham gia, đảm bảo an sinh về sau, nhưng nếu thủ tục hành chính rườm rà, giấy tờ phức tạp và rối rắm, mất nhiều thời gian công sức, không thuận tiện khi thực hiện, thì vẫn khó thu hút người dân tham gia.

Người lao động tự do, tiểu thương buôn bán ở chợ thu nhập không ổn định, là lao động thời vụ, do đó họ phải cân nhắc việc mua BHXH, vì hiện nay quy định thời gian tham gia mua BHXH hộ gia đình quá dài, tương đương với người tham gia BHXH bắt buộc, phải đủ 20 năm sau khi tham gia BHXH hộ gia đình mới được hưởng chế độ lương hưu khi đã hết tuổi lao động (Hiện tại nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Đó là chưa kể, hiện nay đa số người lao động tự do, tiểu thương đang làm ăn, buôn bán ở các chợ là người lớn tuổi.

Từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, chính sách và các quy định về loại hình BHXH hộ gia đình đã dần đi vào cuộc sống. Việc tự nguyện tham gia chính sách BHXH giúp người lao động có được một khoản thu nhập hàng tháng từ lương hưu, có thể trang trải cuộc sống. Thế nhưng, số lượng người đăng ký tham gia mua BHXH trong nhóm người lao động tự do vẫn còn quá thấp, thậm chí một số tỉnh/thành có chiều hướng giảm số người tự nguyện tham gia mua BHXH vì nhiều lý do.

Mục tiêu Chính phủ đề ra là phát triển đối tượng tự nguyện mua BHXH đến năm 2021 đạt 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, tương ứng với 600.000 người; đến năm 2025 tỷ lệ này là 2,5%, tương ứng với 1,5 triệu người. Qua đó cũng sẽ nâng dần con số này đến năm 2030 đạt khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tự nguyện tham gia BHXH, tương ứng hơn 3 triệu người.

Để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Ngoài việc tiếp tục vận động, tuyên truyền để người lao động tự do được tiếp cận chính sách BHXH, cần phải hoàn thiện hơn nữa chính sách BHXH hộ gia đình.

Theo một số chuyên gia, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để làm sao thuận lợi nhất cho người dân, người lao động tự do khi tự nguyện tham gia BHXH. Thủ tục càng đơn giản, càng ít giấy tờ, càng ít mất thời gian công sức, thì chắc chắn sẽ càng thu hút lượng người tham gia, đảm bảo mục tiêu chính sách của Chính phủ đề ra, đảm bảo ý nghĩa cuối cùng của chính sách BHXH là an sinh xã hội. 

BHXH cũng cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH hộ gia đình phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Người tham gia chính sách BHXH hộ gia đình cần được đối xử và hưởng các chế độ, chính sách bình đẳng với những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác...