Thu hút nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) xác định mục tiêu “Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công”, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, để người dân ngày càng hài lòng với dịch vụ công nhận được. Bên cạnh bảo đảm số lượng dịch vụ công, tính bao quát của dịch vụ công thì chất lượng dịch vụ công, thái độ cung ứng dịch vụ công là những mục tiêu cần phải đạt được. Để nâng cao chất lượng dịch vụ công, trong đó có giải pháp chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành các doanh nghiệp cổ phần. Bài viết đánh giá các giải pháp thu hút nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Đặt vấn đề
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến nay, cả nước có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) với khoảng 2,45 triệu biên chế. ĐVSNCL có vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước, nhưng cũng đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo đó, thời gian qua, để giảm tải áp lực cho NSNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác lần lượt được Chính phủ ban hành trong năm 2015 và 2016. Các bộ, ngành cũng đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong 5 lĩnh vực còn lại (y tế, văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục nghề nghiệp; thông tin truyền thông và báo chí; giáo dục đào tạo).
Với sự ra đời của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần đã tạo khung khổ pháp lý cơ bản cho các ĐVSNCL thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau: Tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; Là những ĐVSNCL thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần; Có phương án tiếp tục cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt. Thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần tại các ĐVSNCL hoạt động trong 20 ngành, lĩnh vực cụ thể.
Nghiên cứu này vận dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học xã hội và quy phạm quản trị - quản lý, chính sách. Phương pháp nghiên cứu rà soát các nghiên cứu trước đây, so sánh phân tích, qua thực tiễn đề xuất các giải pháp thực tiễn. Phạm vi nghiên cứu tập trung vào thu hút 02 nguồn lực quan trọng gồm: Nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực tài năng, đây là 02 nguồn lực cơ bản phục vụ cho đẩy mạnh chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần.
Thu hút nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực tài chính
Nguồn lực tài chính của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công chính là yếu tố trực tiếp tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Một công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công có năng lực cạnh tranh cao, cung ứng dịch vụ công dồi dào là DN có nguồn vốn dồi dào, luôn đảm bảo huy động vốn trong những tình huống cần thiết với chi phí thấp, có khả năng hạch toán doanh thu chi phí chính xác để có kế hoạch cũng như quyết định sử dụng vốn hiệu quả. Nếu không có nguồn tài chính đủ mạnh, công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công sẽ gặp nhiều khó khăn trong sử dụng công nghệ hiện đại hơn, nâng cao trình độ cán bộ nhân viên, hiện đại hóa hệ thống quản lý, không có cơ hội để đầu tư vào nghiên cứu thị trường dịch vụ công.
Việc vốn hóa công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công được quy định cụ thể tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg như sau: Xác định vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ. Căn cứ kết quả công bố giá trị phần vốn nhà nước tại ĐVSNCL chuyển đổi và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án chuyển đổi quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ.
Theo đó, hình thức chuyển đổi ĐVSNCL bao gồm: (i) Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; (ii) Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; (iii) Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công có thể phát hành thêm cổ phiếu, vốn điều lệ được xác định bằng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN và giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá cổ phiếu. Cổ phần nhà nước nắm giữ theo tiêu chí phân loại DN nhà nước được Thủ tướng Chính phủ công bố trong từng thời kỳ.
Trong nền kinh tế thị trường, cơ hội huy động vốn phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của các công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công. Nếu công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công là ĐVSNCL có một thương hiệu dịch vụ công đủ mạnh, có uy tín trên thị trường cung ứng dịch vụ công thì cơ hội huy động vốn của của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công là rất lớn.
Hiện nay, công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công có thể huy động vốn từ các nguồn: Nguồn vốn bên trong công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công và nguồn vốn bên ngoài công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công. Với nguồn vốn bên trong công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công, DN phải sử dụng tốt hơn tài sản cố định, huy động toàn bộ tài sản cố định hiện có vào sản xuất kinh doanh.
Hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Trong những năm gần đây, các ĐVSNCL đã bắt đầu chú trọng vào việc đầu tư thêm các công nghệ hiện đại, các DN tư cung ứng dịch vụ công cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nên công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công càng phải chú ý tới việc đầu tư và cần sử dụng tối đa công suất các loại tài sản, thiết bị mới này. Với những tài sản không còn phù hợp, chưa cần sử dụng thì cần tiến hành thanh lý, nhượng bán để đưa “vốn chết” vào luân chuyển; Với nguồn vốn bên ngoài công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công bao gồm cả thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. DN phải bảo toàn và tăng tỷ lệ tích lũy từ lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế năm trước phải cao hơn năm sau đối với nguồn vốn này, bởi vì đây là minh chứng cho những nỗ lực của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công trong việc tìm lại thị trường, bảo toàn lợi nhuận. Để tăng tỷ lệ tích lũy, cần có sự đồng thuận của các cổ đông để quyết định mức tỷ lệ lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Nhất là trong môi trường về cung ứng dịch vụ công có mức độ cạnh tranh cao, thì việc tăng tỷ lệ tích lũy lợi nhuận của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công đối với nguồn vốn bên ngoài cần có lộ trình cụ thể trong trung và dài hạn.
Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công cần khai thác triệt để các nguồn vốn hiện có, đồng thời phải sử dụng linh hoạt các nguồn vốn và quỹ theo nguyên tắc có hiệu quả và có hoàn trả. Khi nguồn vốn từ bên trong công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công phải tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài cả trong ngắn hạn và dài hạn. Phương thức huy động vốn ngắn hạn như: Tín dụng thương mại, vay ngắn hạn các DN khác, vay ngắn hạn ngân hàng và các tổ chức tài chính, vay vốn và nhận vốn góp của cán bộ công nhân viên trong DN. Huy động vốn dài hạn như: Vay có kỳ hạn, thuê mua trả góp.
Muốn huy động nguồn vốn lâu dài, thì các chỉ tiêu sinh lợi của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công cần sự ổn định tương đối. Trong thực tiễn, hầu hết các khoản đầu tư vào ĐVSNCL là cơ sở hạ tầng và máy móc trang thiết bị. Do vậy, việc tăng cường đổi mới máy móc, trang thiết bị, phát huy tối đa công suất máy móc thiết bị đối với công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công là rất cần thiết.
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, việc đầu tư mua sắm tài sản cố định đúng hướng, đúng mục đích, sử dụng là quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung và vốn cố định nói riêng. Đồng thời, việc đầu tư đúng mục đích sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm dịch vụ công, hạ thấp chi phí nguyên vật liệu và chống được hao mòn vô hình do tiến bộ khoa học kỹ thuật gây ra, từ đó góp phần gia tăng uy tín cho sản phẩm và khả năng cạnh tranh của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công trên thị trường. Cùng với việc đổi mới máy móc thiết bị, công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công cần lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp, nhằm thu hồi vốn nhanh và hạn chế hao mòn vô hình, đồng thời đảm bảo giá thành không được quá cao. Ngoài ra, việc tổ chức lao động khoa học, sử dụng thích hợp các đội chuyên môn hóa hoặc các đội tổng hợp, cũng như sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kích tài chính.
Trong thực tế, khả năng thu được lợi nhuận cao thường mâu thuẫn với khả năng an toàn về vốn “Lợi nhuận càng cao, thì độ rủi ro càng lớn”. Do đó, công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công khi quyết định đầu tư vốn, cần cân nhắc kỹ lưỡng mức độ an toàn và tin cậy. Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công cũng phải am hiểu tường tận những thông tin cần thiết, phân tích yếu tố lợi, khó khăn để chọn đúng đối tượng và loại hình đầu tư phù hợp, như vậy mới có thể bảo toàn nguồn vốn hiệu quả.
Việc huy động vốn của công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuyển đổi từ ĐVSNCL sang DN cổ phần ĐVSNC. Theo đó, một số nội dung cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay như: Xác định giá trị ĐVSNCL, cần có quy định về phương án sử dụng đất và giám sát tình hình sử dụng đất của DN sau chuyển đổi; Ngoài quy định giá trị ĐVSNCL được xác định theo phương pháp tài sản, bổ sung thêm việc áp dụng các phương pháp khác theo pháp luật về giá và thẩm định giá để xác định giá trị ĐVSNCL; Chủ thể quan trọng là nhà đầu tư đối với ĐVSNCL, do đó, cần có thêm quy định về đối tượng mua cổ phần của ĐVSNCL chuyển đổi gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược
Tăng cường thu hút nguồn lực con người
Theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, chính sách ưu đãi cho người lao động trong ĐVSNCL chuyển đổi được quy định như sau: Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của ĐVSNCL tại thời điểm công bố giá trị được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất, hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược.
ĐVSNCL và người lao động khi chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần cung ứng dịch vụ công được hưởng các ưu đãi như: (i) Được hưởng các ưu đãi về lệ phí trước bạ theo quy định của Luật Phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn; (ii) Được ký lại các hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật; (iii) Đối với công trình phúc lợi là nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác đầu tư bằng nguồn Quỹ Phúc lợi thì chuyển giao cho tổ chức công đoàn tại DN cổ phần cung ứng dịch vụ công quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong DN cổ phần cung ứng dịch vụ công; (iv) Được áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của Chính phủ.
Người lao động trong ĐVSNCL chuyển đổi được mua cổ phần với giá ưu đãi. Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được mua thêm cổ phần, được chia số dư bằng tiền của Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi, hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành nếu đã có đủ điều kiện tại thời điểm công bố giá trị ĐVSNCL. Cùng với đó, họ được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định hiện hành khi chuyển sang DN cổ phần cung ứng dịch vụ công; được hưởng các chính sách về lao động dôi dư theo quy định. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể nội dung này.
Nhân tài trong DN đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong sự thành bại của DN. Do đó, cần phải xây dựng môi trường tốt cho DN để thu hút và giữ chân nhân tài trong DN. Ước tính, hiện có khoảng hơn 3,3 triệu người định cư, làm ăn sinh sống ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở 21 nước (98%), chủ yếu là ở các nước công nghiệp phát triển.
Một số giải pháp đề xuất
Từ thực tiễn trên, bài viết đề xuất một số nội dung chủ yếu nhằm thu hút nguồn nhân lực tài năng cho DN cổ phần cung ứng dịch vụ công như sau:
Một là, thu hút nhân tài như là một cơ hội marketing của DN cổ phần cung ứng dịch vụ công. Quy trình tuyển dụng nhân sự tài năng có thể là một công cụ xây dựng thương hiệu quan trọng nếu được quản lý chặt chẽ và hợp lý. Do vậy, khi đăng tuyển cần miêu tả chi tiết văn hóa DN cổ phần cung ứng dịch vụ công, dịch vụ công của DN cổ phần, chính sách tiền lương và thưởng. DN cổ phần cung ứng dịch vụ công cũng cần phát triển mục tuyển dụng chuyên nghiệp trên website DN nhằm gây hứng thú cho các ứng viên.
Hai là, tạo ra một văn hóa có sức hấp dẫn mạnh để giữ chân nhân tài. Không gì thu hút nhân tài đến với DN cổ phần cung ứng dịch vụ công bằng chính sức mạnh nội tại của DN. Những ứng viên xuất sắc luôn bị thu hút bởi những nhà lãnh đạo tài ba. Quan trọng là cần xây dựng đội ngũ nhân viên giỏi gắn liền với thương hiệu DN cổ phần cung ứng dịch vụ công. Ứng viên có thể ấn tượng với thương hiệu DN cổ phần cung ứng dịch vụ công và những giá trị nó mang lại cho cộng đồng như cung ứng nước sạch, vệ sinh môi trường, dịch vụ môi trường... nhưng cuối cùng, họ cần được thu hút bởi những người tài giỏi mà họ sẽ làm việc chung. Việc các nhân tài tìm tới DN thường băn khoăn lãnh đạo có giỏi hay không? Họ có thể giúp bạn phát triển năng lực của mình cũng như dễ dàng đạt vị trí họ mong muốn không?
Ba là, đưa ra ưu điểm của DN cổ phần cung ứng dịch vụ công. DN cần đưa ra những lí do để giúp nhân viên hiểu rõ tại sao nhân viên nên làm việc tại DN cổ phần cung ứng dịch vụ công. Đó có thể là môi trường làm việc với những cải tiến không ngừng, cơ hội đào tạo tốt, hoặc đơn giản là bầu không khí thân thiện, tinh thần hợp tác cao.
Bốn là, DN cần cân bằng công việc, cuộc sống: Cho phép nhân viên làm việc tại nhà, dẫn con đến cơ quan vào một ngày làm việc, hoặc tổ chức những sự kiện giữa tuần sẽ tạo được sự cân bằng cuộc sống. Hỗ trợ nhân viên giữ được cân bằng cuộc sống và công việc sẽ giúp công ty giữ chân người tài...
Kết luận
Hai nguồn lực quan trọng, cơ bản nhất cần được thu hút là nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực con người. Nhóm giải pháp huy động nguồn lực tài chính đến từ chính việc chuyển đổi ĐVSNCL thành DN cổ phần cung ứng dịch vụ công. Đó là nguồn tài chính huy động từ chính bên trong DN cổ phần cung ứng dịch vụ công, và nguồn tài chính từ bên ngoài DN cổ phần cung ứng dịch vụ công, bao gồm cả nguồn thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề quan trọng nữa là dù huy động ở nguồn nào thì cũng đảm bảo 03 tiêu chí tính hiệu quả, hiệu xuất, khả thi đặt lên hàng đầu.
Lợi thế huy động tài chính có thể có đối với ĐVSNCL của DN cổ phần cung ứng dịch vụ công có danh tiếng cung ứng dịch vụ công tốt, nhưng lợi thế này sẽ mất đi nếu việc sử dụng tài chính không hiệu quả. Ngược lại, dù không có lợi thế ban đầu, nếu DN cổ phần cung ứng dịch vụ công sử dụng tài chính hiệu quả chắn chắn sẽ mang lại ưu thế về huy động tài chính cho DN cổ phần cung ứng dịch vụ công này. Nguồn nhân lực tài năng rất quan trọng đối với DN cổ phần cung ứng dịch vụ công, giải pháp nhân tài có tính sống còn hơn với giải pháp tài chính. Nếu DN cổ phần cung ứng dịch vụ công tìm kiếm và mời về, giữ chân được nhân tài thì DN cổ phần cung ứng dịch vụ công đó sẽ thành công. Tác giả đề xuất 07 giải pháp cơ bản để tăng cường thu hút nguồn nhân lực tài năng cho DN cổ phần cung ứng dịch vụ công hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Tuệ Anh (2010), “Tiếp tục đổi mới khu vực tổ chức dịch vụ công lập cung ứng dịch vụ giáo dục và y tế”, NXB Lao động 2010;
Bạch Thụ Cường (2012), Bàn về cạnh tranh toàn cầu, NXB Thông tấn, Hà Nội;
Đặng Đức Đạm (2010), “Đổi mới cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam”;
Nguyễn Ngọc Hiến (2002), “Vai trò của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công - Nhận thức, thực trạng và giải pháp”, NXB Văn hoá - Thông tin xuất bản, năm 2002;
Đỗ Phú Hải (2017), Đề tài cấp bộ “Đánh giá chính sách cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam”, VUSTA.